Bất cập của luận án tiến sĩ của thượng tọa Thích Chân Quang

 Luận án tiến sĩ “NGHĨA VỤ CON NGƯỜI TRONG PHÁP LUẬT QUỐC TẾ VÀ PHÁP LUẬT VIỆT NAM” của ông Vương Tấn Việt (tức thượng tọa Thích Chân Quang) có nhiều điểm đi ngược Bản tuyên ngôn độc lập mà ông HCM đọc năm 1945 (xem phần cuối) và Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền năm 1948; đi ngược thời gian để quay lại chế độ Phong Kiến ở đó người yếu thế chỉ có nghĩa vụ, không có quyền: “Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung; phụ sử tử vong, tử bất vong bất hiếu”.

        Nguồn ảnh: Internet

Quyền con người là quyền cơ bản, đương nhiên mà mỗi người sinh ra đã được công nhận, bình đẳng với người khác, không phân biệt dân tộc, giới tính, giàu nghèo và không kèm theo bất kỳ nghĩa vụ nào. Nó không phải là quyền tự nhiên mà có, sau Thế chiến thứ II, các nước thỏa thuận, cam kết với nhau thực hiện quyền đó để hạn chế kẻ mạnh, nước mạnh áp đặt lên quyền của người khác, dân tộc khác; công nhận các quyền cơ bản, trong đó có quyền dân tộc tự quyết. VD: Khi VN đang là nước thuộc địa của Pháp, chưa thực hiện nghĩa vụ gì cho quốc tế, nhưng vẫn có quyền tự quyết theo Pháp hay tự tuyên bố độc lập.

Trong khi Luận án lại có quan điểm ngược với quyền cơ bản của con người, cho rằng: Nghĩa vụ phải đi trước quyền, xin trích:

“Nếu con người cho rằng mình có Quyền thụ hưởng thì cũng đồng nghĩa với việc phải có Nghĩa vụ cống hiến. Thậm chí, Nghĩa vụ phải đi trước Quyền thì xã hội mới phát triển hợp lý. Con người phải trồng lúa rồi mới có gạo để nấu cơm ăn. Nếu chỉ đòi hỏi phải có cơm, Quyền được ăn cơm là Quyền hiển nhiên, rồi ai cũng ngồi đó chờ cơm thì chẳng bao lâu kho gạo sẽ cạn. Mọi người phải đi gieo trồng lúa trước đã, rồi Quyền được ăn cơm sẽ hiện ra”.

Ông Quang đang cố tình nhầm lẫn giữa quyền và Nghĩa vụ nên đã lập luận như trên. Thực tế “quyền” là cái mà con người ta có, mỗi người được tự quyết sử dụng hay không sử dụng. Còn “nghĩa vụ” là điều bắt buộc con người đó phải thực hiện. 

Quyền con người là quyền cơ bản, hiển nhiên được công nhận, VD: mọi trẻ sinh ra đều có quyền được sống, được đến trường, mặc dù họ không có đóng góp gì cho xã hội, không cần “trồng lúa rồi mới có gạo nấu cơm” như Luận án nêu.

 Nghĩa vụ là sự bắt buộc được quy định theo luật,  bao gồm các nhóm nghĩa vụ chính sau

-         Nghĩa vụ đóng góp như: Công dân phải đóng thuế, bảo vệ môi trường, tham gia bảo vệ tổ quốc…;

-         Nghĩa vụ bảo đảm quyền lợi của con người. Nghĩa vụ của kẻ mạnh là đảm bảo quyền của kẻ yếu. VD: Nghĩa vụ của chính quyền là bảo vệ, đảm bảo quyền con người được thực thi như: Ngăn chặn xâm phạm quyền con người, đảm bảo điều kiện (đủ trường, trạm…) để con người được hưởng các quyền cơ bản của con người.

Ông Thích Chân Quang đưa ra lập luận: “Hiện nay, thế giới đang rất ít chú trọng đến yếu tố Nghĩa vụ vì đang bị cuốn vào trào lưu đề cao Quyền con người thái quá. Việc thực thi Nghĩa vụ chưa tương xứng với mức thụ hưởng Quyền của con người đã gây ra nhiều hệ lụy như đạo đức cá nhân xuống cấp, gia đình tan vỡ, nợ công tràn lan, tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, môi trường bị phá hủy, các giá trị văn hóa nhân loại bị mai một…”

Nội dung luận án đang đi ngược lại với thực tế, vì trên TG chẳng có nước nào mà không có hàng chục luật quy định nghĩa vụ của công dân, ví dụ nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc, bảo vệ môi trường, nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác… tất cả nghĩa vụ của công dân, dù trực tiếp hay gián tiếp đều đóng góp cho việc đảm bảo Quyền con người được thực thi.

Thực tế chỉ ra rằng, các nước phát triển nơi đảm bảo quyền con người được thực thi thì nợ công họ không cao, tài nguyên môi trường không bị phá, giá trị văn hóa vẫn đảm bảo, đạo đức đâu xuống cấp như nghiên cứu của ông Quang, (trừ đạo đức cách mạng, vì họ không có).

Tóm lại: Luận án còn nhiều bất cập, đi ngược lại với Bản tuyên ngôn độc lập của HCM, và Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế (1948).  Vậy mà Hội đồng khoa học lại đánh giá cao, người người khen ngợi không hết lời thì rất đáng ngờ về tư duy của các vị.

Nếu cộng đồng mạng không lên tiếng, có khi Hội đồng  thực hiện theo đề nghị của  Thích Chân Quang đề xuất dự thảo bản “Tuyên ngôn Toàn cầu về Nghĩa vụ con người” để kiến nghị Liên hợp quốc thông qua, thì thiên hạ cười cho muối mặt.

…………………..

Trích Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

"Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền  ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

             Xuân Văn

 

 

 

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn