Lễ hội Kẻ Rị - Kẻ Chè là lễ hội làng truyền thống, bắt nguồn từ Lễ Hội Kẻ Rị có từ đời Trần, thờ Đào Tiêu, ông đỗ trạng nguyên khoa thi năm 1275. Sau khi ông mất ông được nhà vua phong Phúc Thần. Người dân địa phương tôn ông, người con của làng đỗ đạt cao nhất là đức Thánh cả, có vị thế cao hơn 4 thiên thần khác được thờ ở Kẻ Rị (tức xã Phủ Lý) bao gồm: Thiên Phúc, Đại Hành, Bạch Y Long và Thái Tố.
Năm 1953, Kẻ Chè sáp nhập với xã Phủ Lý (gọi nôm là Kẻ Rị) lập thành xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa. Thời kỳ chống mê tín di đoan, Lễ hội bị gián đoạn. Từ những năm 2000, Lễ Hội Kẻ Rị được khôi phục lại với sự tham gia của Kẻ Chè. Lễ hội Kẻ Rị - Kẻ Chè bắt đầu từ đó.
I. LỄ HỘI KẺ RỊ
Lễ
Hội Kẻ Rị là lễ hội làng truyền thống được tổ chức theo mùa: Mùa Xuân và Mùa
Thu.
1.1. Lễ
Hội mùa Xuân
Được tổ chức 2 đợt:
1.1.1.
Đợt 1: Làng tế Cầu Phúc vào ngày mùng 9 và mùng
10 tháng 2; Đợt 2 làng mở hội Cầu Bóng từ mùng 7 đến mùng 10 tháng 3.
Lễ
Hội Kẻ Rị ngày 10/2 âm lịch là lễ hội làng truyền thống có từ đời Trần thờ Đức
Thánh Cả Đào Tiêu, ông quê Phủ Lý (Gọi nôm là Kẻ Rị) ông đỗ Trạng nguyên khoa
thi 1275 đời Trần Thánh Tông. Sau khi ông mấy ông được nhà vua Trần phong Phúc
Thần, làng ông có tên là Thần Hậu bắt nguồn từ đó.
Ngoài
thờ Đức Thánh Cả Đào Tiêu tại Miếu Cả (Nhân thần – người con của làng, đỗ cao
nhất), người dân Kẻ Rị còn thờ 4 vị Thiên thần khác: Thiên Phúc (Miếu Nhị -
làng Phủ Lý Bắc), Đại Hành (Miếu Tam – Làng Phủ Lý Trung), Bạch Y Long (Miếu Bà
tức Miếu Ngũ – Làng Phủ Lý Trung), Thái Tố (Miếu Tứ - làng Diên Hào).
1.1.1.1. Phần
Lễ và nghi lễ
Dân
các giáp rước kiệu ông Thiên Phúc, ông Thái Tố và ông Đại Hành rước đến Miếu
Bà. Sau đó, 4 kiệu của 4 vị Thành hoàng này đều rước đến Miếu Cả và việc tế lễ
mới bắt đầu.
Ngày 9, buổi sáng tế “yên vị”, buổi chiều “tế yết”, buổi tối “tế chầu”. Sáng mồng 10 là “tế chính”. Vật phẩm tế, ngoài các thứ thông thường còn có lợn luộc cả con, bò thui cả con. Chiều mồng 10 thì tế “đảo đàn”. Tế xong, kiệu giáp nào trở về giáp ấy.
Về vị trí ngồi có áp dụng trong Lễ hội,
sổ Hương ẩm của Kẻ Rị ghi
“Chiếu
giữa dành cho cụ Tiên chỉ và quan tước triều đình. Cụ Tiên chỉ 90 tuổi ngồi
ngang hàng với tiến sĩ (văn) hay quận công (võ). Nếu có cả tiến sĩ và quận công
ngồi bên “Tả” (trái) cụ tiên chi ngồi bên “Hữu” (phải) với qui ước “nhất Tả nhị
Hữu”.
- Từ đó trở xuống:
+ Cử nhân ngồi cùng chiếu với cụ 80 tuổi;
+ Tú tài ngồi cùng chiếu với cụ 70 tuổi;
+ Lý trưởng ngồi cùng chiếu với cụ 70
tuổi;
+ Ông đồ ngồi cùng chiếu với cụ 60 tuổi”.
1.1.1.2. Phần Hội
Hội cờ Rị. Các giáp chọn
trai chấp kích, chọn người đóng quân cờ (cả
nam và nữ) và chọn các đấu thủ cờ để tranh giải cho giáp/làng. Hội cờ Rị là
hội nổi tiếng trong vùng, các địa phương khác thường đến tham gia, giao lưu, học
hỏi. Nói đến cờ Rị, nhân dân trong vùng có câu ca “Rượu Kẻ Mơ, Cờ Kẻ Rị”. Hội cờ Rị được tổ chức vào ngày 9 -10 tháng
Hai và 7 – 10 tháng Ba tại Miếu Bà Bạch Y Long.
Ngày hội cờ, người
các nơi đến ghi tên xin đấu, Hội cờ tuy mở ra mấy ngày, song chỉ có trận đấu
khai mạc mới có tính diễn xướng đầy đủ, các trận sau nặng về đấu trí.
Các
làng phải chọn trong làng những cô gái đẹp, thanh tân, nhà sạch “bụi bặm” để
đóng quân cờ. Các gia đình có con cái được chọn coi đó là hạnh phúc lớn nhất,
có thể may mắn cả năm, lo sắm quần cáo cho con, khăn vành giây, áo mớ ba, hài
cườm chân chỉ hột bột, thắt lưng nhiễu “mùi” (màu sắc). Người được đóng nam thi
áo nẹp, khăn điều, xà cạp... thật là một dịp vui hiến có.
“Nhà giàu mớ bảy,
mớ ba
Còn con nhà khó hô
la đủ mùi”
Nhất là hai người
đóng tướng nam và tướng nữ. Ngoài quần cáo tướng, họ còn có cờ quan, mủ măng
hia đai… oai vệ.
Sân cờ được kẻ như
bàn cờ tướng ngay cạnh miếu Bà. Đặc biệt ở hai cúng tướng, người ta dựng thành
hai “Buồng tướng”. Đó là 2 cái sàn cao, có mái che và được thưng kín như trước
buồng tướng là sân đứng để tướng ra múa hát[1].
Ngoài quân cờ và
tướng ra, bàn cờ còn có tổng cờ được các cụ chỉ định và một số phục dịch. Tổng
cờ có nhiệm vụ điều kiển cuộc đấu cờ, rao cờ khi mở đầu trận đấu, chỉ huy hai
quân khi diễn cờ, đổi quân[2]. Lệ Kẻ Rị chỉ có làng
Trung và làng Nam được cầm cờ giữ giải, làng Bắc không dự việc này.
Buồng tướng hai
quân, bàn cờ, quân cờ…. được trang hoàng lộng lẫy, trừ màu trắng (kiêng tên bà Bạch Y Long). Cờ ngũ tinh,
ngũ hành cắm quan sân cờ. Từ sau buồng tướng, quân hai bên đi đầu là tướng, dưới
sự chỉ huy của ông Tổng cờ diễu binh trên bàn cờ, sau ba hồi 9 tiếng trống. Hết
ba hồi trống thì các quân yên vị và dứt 9 tiếng trống thì đấu thủ hai bện nhập
bàn cờ, chính thức cầm quân. Hai ông tổng cờ cầm hai trống khẩu vừa đánh vừa
rao cờ. Các biển đề tên quân cờ (do từng
cô gái cầm) sơn son thếp vàng, hướng mặt chữ ra phía trước.
Lần lượt hai tướng
bước ra sân, vừa hát vừa múa. Lời các tướng hát.
Hời hợi các quân cờ
ta
(Các quân cờ: Dạ, dạ!)
Lẵng lặng mà nghe,
tướng lôi xin dẫn
Nay gặp hội thời
bình hưu tượng
Ngoài bốn phương đồng
nhạn đều yên
Chúc mừng làng Thượng
vạn niên[3]
Rạng soi ngọc
trúc, vững bền kim âu
Khắp đây đó nhà
no, người đủ
Trống lưu cù hát múa
nhởn nhơ
Thiều quan vừa tiết
xuân sơ
Làng ta mở hội
sinh cơ sự thần
Trong thời chiêng
trống vang lừng
Ngoài thì sĩ nữ việc
xuân vui bày
Chúng tôi đây phát
tài muộn mạy[4]
Nghe lời làng dạy
chiêu lấy chư quân
Vâng lời khuyên nhủ
ân cần
Trên quan cứ lệnh,
dưới dân cứ truyền
Cờ phất lên nhìn
sao cho tỏ
Xe thời thẳng nước
mà đi
Pháo thì nước thẳng
vượt ngòi mà qua
Sĩ nước hoa nằm
trong cung tướng
Mã chữ nhật mà tượng
chữ điền
Tốt kia chí thực
quan liên
Đầu hà nước một tiến
sang quân người
Sinh cơ đối vơi
vinh cờ một mạch
Thuận thì hay mà
nghịch chẳng đong
Mừng làng ta vạn
phúc dư đồng
Văn dòi dọi, vũ
nên huân thẳng.
Cờ Kẻ Rị có hai loại:
Cờ ván và cờ trận. Cờ ván là cơ các
cô gái đóng quân cờ cầm các biển trên có ghi tên cờ: Tướng, sĩ, tượng….
Cờ trận thì theo hiệu của tổng cờ, các cờ đóng
quân cầm các binh khí xưa (bằng gỗ, sơn
son thếp vàng), như kiếm đại đao, phủ việt, long tĩnh… thay cho biển cờ.
Các binh khí này ứng với quân nào trong bàn cờ đều có quy định rõ. Đấu thủ của
làng và đấu thủ dự phá cờ phải thuộc lòng. Các đấu tủ nơi xa đến thường bất ngờ
với lệ thay quân này của Kẻ Rị. Phải có trí nhớ thật minh mẫn bền dai mới không
lẫn lộn.
Thường khi đấu thủ
của làng lâm vào thế bí thì ông tổng cờ cho truyền ngay cờ ván thành cờ trận, gọi
là đảo cờ. Sau hiệu trống đã quy định, quân cơ hai bên chuyển cờ theo kiểu diễn
quân, lượm quân trên bàn cờ với những mô hình đẹp mắt trong tiếng trống thúc và
tiếng chiêng ngân. Không khí sôi động hẳn lên. Đây là lúc hấp dẫn, náo nức nhất
của cờ, lôi cuốn khán giả.
Các cô gái đóng
quân cờ, dưới sự chỉ huy của tổng cờ, lượn vào miếu Bà và mỗi người, theo quy định
chọn lấy một binh khí ứng với quân cờ mình đóng. Sau đó diễn ra bàn cờ và đứng
vào vị trí đó mình đang đứng. Thế là cờ trận bắt đầu. Đầu thủ hai bên lại tiếp
tục trận đấu.
Cờ Rị, do có hình
thức độc đáo như vậy, kết hợp với âm thanh, màu sắc nhất là không khí ngày hội
xuân, đã thu hút được nhiều người xa gần. Cờ Rị vừa đẹp, vừa vui, vừa hóc hiểm
và hầu như rất ít khi làng Rị thua cờ. Kẻ Chè cũng có hội cờ, đánh ở đình thánh
Lưỡng, Tham Xung Tá Quốc, Chàng Ất Đại Vương Lê Hựu.
Ở Miếu Ngũ, ngoài
hội cờ Rị còn có tế nữ quan, cũng như các nơi, tế nữ quan ở làng Rị là thế thần,
ở đây là Bạch Y Long. Bài ca tế nữ quan như sau:
Tiết thiều quan,
xuân quý thái hòa
Gặp ngày linh nhật
miếu ta
Lễ cầu thánh hạ xướng
ca sự thần
Chúng con vâng lệnh
đồng dân
Nữ quan đã lựu
thanh tân chỉnh lề
Phận là giá dám
đâu xướng lễ
Bởi lòng thành
kính lễ như nghi
Muôn đâu thanh đức
anh uy
Tiếu làm bảo hộ nữ
nhi chi thành
Vua phong thượng đẳng
tối linh
Phù trì ba xã[5] phú, quý, thọ, khanh,
ninh, đời đời.
1.1.2.
Đợt 2 (Lễ hội mùa Xuân): Từ ngày 7 đến 10 tháng Ba
+ Phần Lễ
Làng, các phường,
hội, các gia đình sắm lễ và tế nữ quan tại Miếu Bà (Bạch Y Long, tức Miếu Ngũ).
+ Phần Hội
Làng mở hội Cầu
Bóng, và tổ chức Hội Cờ Rị (Rậy) như đợt 1
1.2.
Hội mùa thu
Còn gọi là Tết cơm
mới (Thường tân). Kẻ Rị tổ chức tết cơm mới vào tháng Chín hàng năm, song không
theo một ngày định trước. Lúa nếp phơi khô quạt sạch thì các lão làng định ngày
ăn Tết. Trong ngày hội này, làng có tổ chức nấu cơm thi, đồ xôi thi. Các giáp
căn cứ vào sổ hương ẩm để chọn các cỗ đem ra thi với làng. Làng chọn mỗi thứ ba
cỗ đặt giải Nhất, Nhì, Ba để tế thần; các cỗ khác để cúng ở bàn dưới. Giải cho
các cỗ là một thỏi thịt nhỏ song đó là phần thưởng quý vì người được giải tin rằng
việc làm ăn sẽ khấm khá. Làng hội một ngày sau cả làng cùng vui, các gia đình
liên hoan vui vẻ.
1.3.
Kiêng kỵ tại Lễ hội
Người dân không
cúng chuối tiêu tại Miếu Cả (vì kiêng tên đức Thánh cả Đào Tiêu), không mặc đồ
trắng vào Đền Bà và rước kiệu bà Bạch Y Long.
1.4.
Thấy gì qua việc thờ thành hoàng làng ở Kẻ
Rị
Trong số các Thành
Hoàng làng ở Kẻ Rị có Thánh Đào (trạng nguyên Đào Tiêu) là Nhân thần, các vị
còn lại là Thiên thần: Thiên Phúc, Đại Hành, Thái Tố, Bạch Y Long. Trong quan
niệm của người Việt, thiên thần thường là đấng tối cao, nhiều quyền năng hơn
nhân thần. Tuy nhiên ở Kẻ Rị, người dân đã tôn Đào Tiêu (nhân thần) là Đức
Thánh Cả, tức có vị trí cao hơn các vị Thiên Thần khác. Đức Thánh Đào, tức Đào
Tiêu, người Kẻ Rị, đỗ trạng nguyên khoa thi năm 1275, sau khi mất ông được vua
Trần sắc phong Phúc Thần.
Người Kẻ Rị tổ chức
Lễ hội truyền thống ngày 10 tháng 2 âm lịch hàng năm để dâng hương tế các Thành
Hoàng làng và tổ chức các trò chơi liên quan đến đời sống nông nghiệp của địa
phương.
Như vậy, việc người Kẻ Rị tôn trạng nguyên Đào Tiêu (Thánh Đào - nhân thần) làm Đức Thánh Cả, có vị thế cao hơn các Thiên Thần khác được thờ trong làng là đề cao con đường khoa bảng và và sự đóng góp của họ với đất nước. Có thể đó là một trong những lý do, Kẻ Rị có truyền thống khoa bảng lâu đời, trở thành làng khoa bảng số một Xứ Thanh về đỗ cao (Khoa bảng lừng danh người Kẻ Rị; Tinh Hoa nức tiếng đất Chè Đông – câu đối cổng xã Thiệu Trung), vì đã sinh thành nhiều bậc khoa bảng danh tiếng, đóng góp đáng kể cho việc xây dựng, bảo vệ tổ quốc và hình thành văn hóa Việt như: Trạng Nguyên Đào Tiêu (chức Tả bật hành khiển – Tả Thừa Tướng), trạng nguyên Lê Quát (Thượng thư hữu bật nhập nội Hành khiển – Hữu Thừa tướng), bảng nhãn Lê Văn Hưu khoa thi năm 1247 (Nhà sử học, Binh bộ Thượng Thư), thái học sinh Lê Giốc khoa thi năm 1334 (chức Kinh Doãn Thăng Long – Mạ Tặc Trung Vũ Hầu), Tiến sĩ Trần Văn Thiện khoa thi năm 1463 (Hình bộ Thượng thư), Lê Bá Khang đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1511, giữ chức Tham chính, Lê Biện đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1631, giữ chức Lại khoa Đô Cấp sự trung, tước Cẩm Nham tử; Vũ Khiêm đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1646, giữ chức Đề Lại Ngự sử ở Thượng Bảo tự khanh; Trần Lê Hiệu đỗ tiến khí khoa thi năm 1822 giữ chức Lang Trung. Có 5 vị tiên hiền người Kẻ Rị được nhân dân các tỉnh thờ là thành hoàng làng.
Thời Phong Kiến,
trọng nam, khinh nữ, việc thờ Thành hoàng là nữ, rất hiếm gặp ở các vùng, trong
khi người Kẻ Rị thờ Thánh Bà (Bạch Y Long), mỗi dịp Hội làng mùng 10 tháng 2,
người dân các giáp rước kiệu các Thành hoàng: Thiên Phúc, Đại Hành, Thái Tố đến
Miếu Bà, rồi cùng rước kiệu Bà cùng đến Miếu Cả. Cách ứng xử này là sự đột phá
trong tư duy, khác biệt so với nhiều vùng quê khác. Từ đó cho ta thấy người Kẻ
Rị đã có ứng xử tôn trọng phụ nữ, ít nhiều vượt qua rào cản trọng nam, khinh nữ
của Nho Giáo thời Phong Kiến? Ngày nay, người Kẻ Rị đang tiếp nối truyền thống
hiếu học, khoa bảng và đề cao vai trò của phụ nữ.
II.
LỄ HỘI KẺ RỊ - KẺ CHÈ
Năm 1953, Kẻ Chè
(Chè Đông) tách từ xã Trà Sơn nhập với xã Phủ Lý (Kẻ Rị) thành xã Thiệu Trung
(Tức xã Thiệu Trung có 2 làng lớn Kẻ Rị - Kẻ Chè nằm tả hữu Sông Lê).
Từ những năm 2000, Lễ Hội được khôi phục lại
sau một thời gian gián đoạn, gọi là Lễ hội Kẻ Rị - Kẻ Chè.
Lễ hội được tổ chức
trong 3 ngày, ngày 09, 10, 11 tháng 02 âm lịch hằng năm. Công tác chuẩn bị được
tiến hành từ sau Tết Nguyên Đán.
2.1.
Phần Lễ
Sáng ngày mùng 9
tháng 02, 6 làng rước 6 kiệu bài vị Thành hoàng làng của các làng được các làng
rước từ các Nhà Văn Hóa làng[6] đến tập trung tại UBND xã
để làm công tác chuẩn bị và chấm điểm, đội nào đi chậm giờ sẽ bị trừ điểm. Làng
Phủ Lý Bắc rước kiệu có bài vị ngài Thiên Phúc. Làng Phủ Lý Trung rước kiệu có
bài vị của ngài Đại Hành và bà Bạch Y Long. Làng Thần Hậu rước kiệu có bài vị của
Thánh cả Đào Tiêu. Làng Diên Hào rước kiệu có bài vị của ngài Thái Tố. Làng Đông Phú (Kẻ Chè) rước kiệu có bài vị của
Thánh lưỡng – Tham Xung Tá Quốc, Chàng Ất Đại Vương Lê Hựu. Làng Đông Khang (Kẻ
Chè) không rước kiệu mà rước rồng. (Đông Khang và Đông Phú tức Kẻ Chè thờ chung một Thành Hoàng
làng).
Khi rước kiệu: Cờ
đi trước, tiếp sau là trống do thanh niên khiêng, tiếp theo là kiệu, do thanh
niên nam nữ khiêng, tiếp đến là các bô lão, đội tế nữ và nhân dân trong làng.
Theo sự phân công
của Ban Tổ chức, Kiệu của các làng lần lượt được rước đến sân chùa Hương Nghiêm
(Vì Miếu Cả và các miếu không còn). Ban tổ chức sẽ chấm kiệu kiệu, mâm cỗ,
trang trí đẹp sẽ được điểm cao.
Sau khi ổn định,
Ban Tổ chức sẽ tuyên bố lý do, ôn lại truyền thống quê hương, công bố thể lệ…các
đội tế nữ sẽ bắt thăm và bắt đầu tế cầu cho quốc thái dân an, dân làng được
bình an thịnh vượng. Mỗi làng tế mỗi buổi, kết thúc vào chiều ngày 11 tháng 2.
Ban tổ chức chấm điểm các đội tế và công bố vào cuối buổi Lễ.
2.2.
Phần Hội
Phần hội được tổ
chức song song với phần Lễ, và được tổ chức ở Trung tâm thể thao của xã (trừ đánh cờ được tổ chức tại sân chùa Hương
Nghiêm, từ năm 2023, đền thờ Lê Văn Hưu được xây dựng, đánh cờ được tổ chức tại
đền).
Phần hội nhằm thi tài, luyện trí, rèn sức khỏe, giao lưu giữa các làng, các môn truyền thống thường được tổ chức như: Kéo co nam, kéo co nữ, nhảy dây, nấu cơm bằng nồi đất (vừa chạy vừa đun), đẩy gậy, bắt trạch trong chum, bịt mắt bắt lợn, vịt…. và các cuộc thi hoặc giao lưu văn nghệ thường được tổ chức các buổi tối.
Môn thi được nhiều người quan tâm, yêu thích nhất là môn kéo co nam, nữ. thể hiện sự phối hợp tập thể và bản lĩnh màu cờ sắc áo, một số trường hợp nỗ lực hết mình đến khi ngã xuống sân vẫn bám dây gắng giành chiến thắng. Càng ý nghĩa hơn khi xem kéo co nữ, để chứng kiến một số chị khi đã lấy chồng, khi đứng trong đội ngũ kéo co làng bên chồng, thì luôn coi làng mình được sinh ra là đối thủ, không đội trời chung, và quyết đánh bại đối thủ, giằng co đến nghẹt thở, có khi chỉ trong giây lát.
Khi thi đấu các
môn thi, trai gái, dâu, rể của làng đều được tham gia, miễn là được làng chọn.
Do vậy, đây là dịp con em xa quê về dịp này để thử lại bản lĩnh.
* Cuối Lễ hội, chiều
ngày 11 tháng 2 (âm lịch), Ban Tổ chức công bố kết quả, vị trí xếp hạng của các
làng ở phần lễ và hội, và được thưởng tiền, qùa và ghi danh để về chia vui với
làng.
2.3.
Bữa cơm làng
Ngay sau Lễ hội kết
thúc, không phân biệt thắng thua, các làng thường tổ chức bữa cơm làng vào chiều
tối ngày 11 tháng 2, hoặc ngày sau đó. Gọi là bữa cơm làng là do cả làng tham
gia đóng góp công sức, tiền của. Già, trẻ, trai gái, dâu rể từ Nam tới Bắc đều
về dự dịp này, con em trong làng thường mời bạn bè đến dự và giới thiệu bữa cơm
làng, hàng ngàn người dự. Đây là dịp, cơ hội gặp gỡ giao lưu lớn nhất trong
năm, tay bắt mặt mừng trong niềm vui xum họp.
Tùy điều kiện, sở
thích của mỗi làng, các làng thường mổ trâu, thịt bò, lợn, xôi thịt… để chia
vui ngày hội. Kinh phí do các hộ đóng góp, không bắt buộc. Con em có điều kiện
thường đóng thêm để hỗ trợ chi phí cho bữa cơm làng. Ban tổ chức thường không
thu tiền các gia đình khó khăn, người già. Ban Tổ chức cử người đại diện đến tận
nhà để mời các bô lão đến dự.
Bài và ảnh: Nguyễn
Xuân Văn
Tư liệu lịch sử: Kẻ
Rị - Kẻ Chè, tác giả: Lê Huy Trâm, NXB Thanh Hóa, 1988
[1] Ngồi trên sàn tướng còn có 2 quân
sĩ ở hai bên và các đường đi quân sĩ
[2] Làng cử ra 2 tướng và 2 tổng cờ để điều khiển 2 quân, tổng cờ là đàn ông đứng tuổi.
[3] Làng Thượng thức tên gọi Giáp Thượng
(làng Trung) nơi có Miếu bà Bạch Y Long và Chợ Rị
[4]
Muộn màng
[5]
Tức ba làng: Bắc – Trung - Nam
[6] Do
các miếu đã bị phá, nên bàn vị các Thành hoàng làng được đặt tại các nhà văn
hóa làng