Cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Mộng Tuân

 Nguyễn Mộng Tuân, tự Văn Nhược, hiệu Cúc Pha, sinh năm 1380-?[1],  quê ở xóm Chằm, làng Viên Khê, xã Đông Anh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa; đỗ Thái học sinh, kỳ thi năm Canh Thìn (1400), tháng 8 mùa thu, đời nhà Hồ. Đầu đề bài thi là “Linh Kim Tàng Phú” hỏi về chuyện Hán Cao tổ (Lưu Bang bên Trung Quốc) có cái kho chứa gươm.


              Tình bằng hữu Nguyễn Mộng Tuân và Nguyễn Trãi (tác giả: Đăng Văn)

Thời nhà Hồ, ông lui về ở ẩn[2]. Khi khởi nghĩa Lam Sơn, ông tìm đến Lê Lợi và được Lê Lợi tin dùng và trọng dụng. Sau đại thắng quân Minh ngày 15 tháng 4 năm 1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế ban thưởng cho tướng sỹ có công, Nguyễn Mộng Tuân được phong tước Á Hầu giữ chức Khu Mật Đại Sử.  Đến thời Lê Thái tông (1434-1442), ông giữ chức Trung thư lệnh và Đô úy. Sang đời Lê Nhân tông (1442-1459), ông giữ chức Tả nạp ngôn, Thượng khinh xa Đô úy, Tri quân dân Bắc đạo; Nguyễn Mộng Tuân cùng với Lê Thụ đi đánh Chiêm Thành, thắng lợi trở về được ban tước Vinh lộc Đại phu.

Nguyễn Mộng Tuân, là tác giả của Cúc Pha tập (143 bài), là tác gia để lại số lượng phú lớn nhất (41 bài) trong văn học cổ Việt Nam[3]; về văn bia ông soạn 1 bài trong Thanh Trù – Quan Liệt Chu thị di thư, và Trịnh Khả Bia ký (ở xã Vĩnh Hòa, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa), ông là tác giả của làn điệu dân ca Đông Anh ngày nay[4]. Nguyễn Mộng Tuân tham gia giám khảo các kỳ thi Tiến sĩ khoa Nhâm Tuấn (1442), khi đó là Trung Thư Sảnh, Trung Thư Thị Lang; và kỳ thi năm Mậu Thìn (1448) - Môn hạ sảnh Tả ty Tả nạp ngôn Tri Bắc đạo quân dân bạ tịch. Nguyễn Mộng Tuân từng tiếp các đoàn sứ bộ của các nước, đặc biệt ông còn được mời vào dạy vua học ở tòa Kinh Diên, được vua trọng ban cho lễ ưu đãi tuổi già.

   Từ Đường họ Nguyễn, nơi thờ Nguyễn Mộng Tuân, tại Kẻ Rị, xã Thiệu Trung - Thiệu Hóa - Thanh Hóa - được xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh

 Nhìn lại cuộc Đời và sự nghiệp của Nguyễn Mộng Tuân, ông là bậc khai quốc công thần có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng và bảo vệ vương triều Lê Sơ, cũng như việc đóng góp của ông vào sự lên ngôi của Nho giáo trong triều đại Lê Sơ.  Nguyễn Mộng Tuân vừa là danh nho, vừa là một võ tướng, vừa là nhà chính trị có tầm nhìn xa, trông rộng: “Cây bút bằng năm vạn quân”, và ông ngõ ý khuyên với vua rằng chỗ dựa vững chắc nhất chính là dân, (lấy dân làm gốc); bởi vậy ông khắc họa hình ảnh: Quân chu (vua là thuyền), Dân thủy (dân là nước) để nhắc bậc quân vương. “Chở lật mới hay cốt ở dân; Thuyền to ắt cậy đến hiền thần”; ông khôn khéo nhắc nhở bạn đồng môn, đồng nghiệp khi biết nhà Lê không còn muốn trọng dụng Nguyễn Trãi nữa “Mang rượu đến ông cùng thưởng thức, Say theo người! Chớ tỉnh riêng ta”[5] trong bài “mừng nhà mới của Thừa chỉ Ức Trai”, tác giả Nguyễn Mộng Tuân.  

Ban Quản lý di tích lích sử văn hóa và dòng họ Nguyễn Xuân tổ chức lễ dâng hương ngày 08/2 âm lịch, hằng năm

Nguyễn Mộng Tuân là một trung quân ái quốc, một đại thần trong suốt ba đời vua từ Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông; đây là một trong những trường hợp ít thấy đối với một khai quốc công thần thời Lê Sơ; một triều đại gắn liền với tiếng chê muôn thuở “Thỏ chết, cung treo”. Trong thời buổi mà các công thần giữ được tính mạng trong quan trường không chỉ bằng tài năng đức độ, mà còn phụ thuộc vào mệnh trời. Vẫn biết, Nguyễn Mộng Tuân là một đại thần, giữ trọng trách lớn của đất nước, là người cương trực, khẳng khái vì lợi ích của nhân dân và quốc gia đại sự, thì nguy hiểm càng đe dọa nhiều đến bản thân. Phải chăng Nguyễn Mộng Tuân đã sống hài hòa với các mối quan hệ xã hội, hòa hợp với quy luật của trời đất, nên đã trường thọ suốt ba đời vua. Nhưng lòng người khó lường, pha lê không thể để lẫn lộn với gạch đá; cuối Đời Nguyễn Mộng Tuân không tránh được hậu họa.

 “…Tể thần như Lê Sủng, Lê Sát thì ngu si không phân biệt sáu loại súc vật, Chưởng binh Lê Điên, Lê Luyện, thì mù tịt, chẳng sao hiểu được bốn mùa một năm. Bậc lương thần như Trịnh Khả, Khắc Phục thì kèn cựa mà giết đi, người tài sĩ như Nguyễn Mộng Tuân thì đẩy vào vòng tai họa. Oan uổng không chỉ kêu xin, mọi việc thảy đều đổ nát. Văn giai như Công Soạn tuổi gần tám mươi, tể thần như Lê Ê không biết một chữ. Bọn trẻ không biết nghĩ, làm bậy ngông cuồng, người già chẳng chết đi, trở thành mối họa, Bán quan mua kiện, ưa giàu ghét nghèo… (Trích Đại Việt Sử Ký toàn thư, bản kỷ thực lục Q1, Đời hậu Lê (1433 – 1459)

 Có thể đây là lý do Nguyễn Mộng Tuân chọn Phủ Lý là chốn đi về, con cháu hương khói ngàn thu.

Một triều lại gắn liền với chiến công hiển hách, lay động đất trời, sao lại để lại vết nhơ khó rửa? Người đời chê cười biết đến lúc nào nguôi? Thế mới biết, ở trên đời, những người tài đức đôi khi lại bị tiểu nhân làm nhục. Than ôi! chốn quan trường, nghìn năm trước; vạn đời sau có khác gì chăng?

          * Tên ông được ghi tại bia số 1 (khoa thi 1442) và số 2 (1448) với tư cách là giám thị kỳ thi. Tên ông được đặt tên đường tại huyện Đông Sơn, TP. Thanh Hóa, TP. Đà Nẵng, TP. HCM và tên trường Trung học phổ thông Nguyễn Mộng Tuân, huyện Đông Sơn.

 

TÌNH BẰNG HỮU NGUYỄN MỘNG TUÂN – NGUYỄN TRÃI[6]

"Mang rượu nồng cùng ông thưởng thức
Say cùng người chớ tỉnh riêng ta".

Tình bằng hữu Nguyễn Mộng Tuân và Nguyễn Trãi (Tác giả: Đăng Văn)

Nguyễn Mộng Tuân (Cúc Pha) và Nguyễn Trãi (Ức Trai) là hai nhân vật lịch sử có nhiều điểm chung như: Cùng tuổi (SN 1380), cùng đỗ Thái học sinh khoa Canh Thìn (1400), cùng tham gia Khởi Nghĩa Lam Sơn - Khai quốc công thần Triều Lê, cùng là trọng thần, danh nho và cùng bị Triều Lê Sơ gây họa. Do vậy hai ông có mối quan hệ bằng hữu để đời.

 

Sau khi đánh tan quân Minh, đất nước thái bình, thì cũng là lúc nội bộ vua tôi, quan văn - võ bắt đầu nghi ngờ, đố kỵ, phe phái nội - ngoại tộc phát sinh. “Thỏ chết, cung treo”, thời Lê Thái Tổ, các đại thần như Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo … bị giết, Nguyễn Trãi cũng bị nghi ngờ và đẩy vào đại lao.

Hơn ai hết, Nguyễn Mộng Tuân thấu hiểu Nguyễn Trãi, nên tìm mọi cách để vào thăm bạn đồng môn, Nguyễn Mộng Tuân là người xin với vua được vào thăm Nguyễn Trãi, cùng với Lê Văn Linh kêu oan cho Nguyễn Trãi.

 Mối tình tri kỷ giữa Cúc Pha và Ức Trai được thể hiện qua các bài thơ phú qua lại, chia sẻ buồn vui, thế sự. Tiêu biểu nhất là bài Mừng Tân Gia và bài Họa vần bài thơ của Hoàng môn thị lang Nguyễn Cúc Pha mừng nhà mới của Ức Trai.

 Nhìn nhận thời thế, thế thời đã thế, nên Nguyễn Mộng Tuân nhân dịp đến mừng nhà mới của Nguyễn Trãi, ông đã khéo léo khuyên Nguyễn Trãi “Đem rượu đến cùng ông thưởng thức; say theo người chớ tỉnh riêng ta” trong bài thơ “Mừng Tân Gia”. Cúc Pha ẩn ý nhắc nhở bạn chi kỷ Ức Trai khi Nhà Lê đã không còn trọng dụng mình nữa “Thỏ chết, cung treo”. Thì nên “say cùng người, chớ tỉnh riêng ta” để tránh hậu họa.

 Đáp lại lời của Cúc Pha, Ức Trai đã họa vần bài thơ của Hoàng Môn Thị lang Nguyễn Cúc Pha mừng nhà mới, có đoạn:

“Cười tớ về già cuồng lại quá

Thứ công tỉnh đấy xóm giềng coi”

Trong khi Nguyễn Mộng Tuân khuyên Nguyễn Trãi “Say theo người” thì Nguyễn Trãi vẫn “tỉnh đấy xóm giềng coi”

Năm 1442, đời Lê Thái Tông, Nguyễn Trãi bị họa tu di tam tộc trong vụ án “Lệ Chi Viên”. Khoảng 7 năm sau thì Nguyễn Mộng Tuân cũng không tránh được hậu họa,

Căn cứ mối tình bằng hữu và cuộc đời của Cúc Pha và Ức Trai, hậu duệ của Cúc Pha là Nguyễn Xuân Quang có thơ rằng:

ĐEM tài trí gánh giang sơn
RƯỢU cay thế sự thiệt hơn quản gì
NỒNG nàn hương vị sơn khê
CÙNG nhau thơ phú đam mê sắc trời
ÔNG tôi sinh kiếp cùng thời
THƯỞNG ban chức tước được lời vua khen
THỨC lòng lắm kẻ hờn ghen
SAY trong danh vọng trắng đen khó lường.
CÙNG chung kiếp nạn oan trường
NGƯỜI đành đổi họ tha phương xứ người[7]
CHỚ trêu cho cái sự đời
TỈNH xong giấc mộng vua thời minh oan
RIÊNG chung thôi cảnh làm quan
TA về ở ẩn bình an cuộc đời.
    

                                                                        Nguyễn Xuân Văn

 



[1] Theo cuốn “Thiên Nam lịch triều liệt truyện đăng khoa bị khảo” do Phan Huy Ôn (1755 – 1786) biên tập va Phan Huy Sáng (1764 – 1811) định chính: khi đỗ Thái học sinh ông mới 21 tuổi.

[2] Sách Lịch triều hiến chương loại chí cho biết, đời nhà Hồ ông ở ẩn náu, không ra làm quan. Đến đầu Lê, Thái tổ “ông là người ẩn dật còn sót lại, triệu ra làm Tư nghiệp Quốc tử giám, thăng chức Tế Tửu (hiệu trưởng), được vua trọng vọng, ban cho lễ ưu đãi tuổi già”.

[3] Theo Hà Minh, Giảng viên ĐHSP Hà Nội công bố trên Tạp chí Hán Nôm, số 4(77), 2006; Tr.74-77. Tác giả phát hiện và chụp được từ Bản sao Toàn Việt Thi Lục ở Trung Quốc

Tại Quyển 8: từ trang 477 đến trang 556. Chép thơ của các tác giả triều Lê từ Nguyễn Mộng Tuân, gồm 4 bài cổ thể, 177 bài cận thể, cộng 181 bài.

 

[4] Theo các cụ làng Viên Kê và nhà nghiên cứu Văn Hóa lịch sử Xứ Thanh Phan Bảo.

[5] Dịch thơ: Trần Thanh Mại

[6] Bức họa, tác giả  Đăng Văn (Nguyễn Đăng Văn), sinh năm 1955, Phượng Đình 2, P. Tào Xuyên, TP. Thanh Hóa, ông là nhà thư pháp, họa, điện ảnh, nhiếp ảnh… nỗi tiếng Xứ Thanh.

 

[7] Con cháu Nguyễn Mộng Tuân chạy về Kẻ Rị lánh nạn, đổi thành họ Nguyễn Xuân

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn