Tình bằng hữu Nguyễn Mộng Tuân và Nguyễn Trãi

 

"Mang rượu nồng cùng ông thưởng thức

Say cùng người chớ tỉnh riêng ta".


   Bức họa Tình bằng Hữu Nguyễn Trãi và Nguyễn Mộng Tuân (tác giả: Đăng Văn)

Nguyễn Mộng Tuân (Cúc Pha) và Nguyễn Trãi (Ức Trai) là hai nhân vật lịch sử có nhiều điểm chung như: Cùng tuổi (SN 1380), cùng đỗ Thái học sinh khoa Canh Thìn (1400), cùng tham gia Khởi Nghĩa Lam Sơn - Khai quốc công thần Triều Lê, cùng là trọng thần, danh nho và cùng bị Triều Lê Sơ gây họa. Do vậy hai ông có mối quan hệ bằng hữu để đời.

Sau khi đánh tan quân Minh, đất nước thái bình, thì cũng là lúc nội bộ vua tôi, quan văn - võ bắt đầu nghi ngờ, đố kỵ, phe phái nội - ngoại tộc phát sinh. “Bắt được thỏ thì giết chó săn”, thời Lê Thái Tổ, các đại thần như Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo … bị giết, Nguyễn Trãi cũng bị nghi ngờ và đẩy vào đại lao.

Hơn ai hết, Nguyễn Mộng Tuân thấu hiểu Nguyễn Trãi, nên tìm mọi cách để vào thăm bạn đồng môn, Nguyễn Mộng Tuân là người xin với vua được vào thăm Nguyễn Trãi, cùng với Lê Văn Linh kêu oan cho Nguyễn Trãi.


Mối tình tri kỷ giữa Cúc Pha và Ức Trai được thể hiện qua các bài thơ phú qua lại, chia sẻ buồn vui, thế sự. Tiêu biểu nhất là bài Mừng Tân Gia và bài Họa vần bài thơ của Hoàng môn thị lang Nguyễn Cúc Pha mừng nhà mới của Ức Trai.


Nhìn nhận thời thế, thế thời đã thế, nên Nguyễn Mộng Tuân nhân dịp đến mừng nhà mới của Nguyễn Trãi, ông đã khéo léo khuyên Nguyễn Trãi “Đem rượu đến cùng ông thưởng thức; say theo người chớ tỉnh riêng ta” trong bài thơ “Mừng Tân Gia”. Cúc Pha ẩn ý nhắc nhở bạn chi kỷ Ức Trai khi Nhà Lê đã không còn trọng dụng mình nữa “Thỏ chết, cung treo”. Thì nên “say cùng người, chớ tỉnh riêng ta” để tránh hậu họa.


Đáp lại lời của Cúc Pha, Ức Trai đã họa vần bài thơ của Hoàng Môn Thị lang Nguyễn Cúc Pha mừng nhà mới, có đoạn:

“Cười tớ về già cuồng lại quá

Thứ công tỉnh đấy xóm giềng coi”

Trong khi Nguyễn Mộng Tuân khuyên Nguyễn Trãi “Say theo người” thì Nguyễn Trãi vẫn “tỉnh đấy xóm giềng coi”.

Năm 1442, đời Lê Thái Tông, Nguyễn Trãi bị họa tu di tam tộc trong vụ án “Lệ Chi Viên”. Khoảng 7 năm sau thì Nguyễn Mộng Tuân cũng không tránh được hậu họa. 


 “…Tể thần như Lê Sủng, Lê Sát thì ngu si không phân biệt sáu loại súc vật, Chưởng binh Lê Điên, Lê Luyện, thì mù tịt, chẳng sao hiểu được bốn mùa một năm. Bậc lương thần như Trịnh Khả, Khắc Phục thì kèn cựa mà giết đi, người tài sĩ như Nguyễn Mộng Tuân thì đẩy vào vòng tai họa. Oan uổng không chỉ kêu xin, mọi việc thảy đều đổ nát. Văn giai như Công Soạn tuổi gần tám mươi, tể thần như Lê Ê không biết một chữ. Bọn trẻ không biết nghĩ, làm bậy ngông cuồng, người già chẳng chết đi, trở thành mối họa, Bán quan mua kiện, ưa giàu ghét nghèo… (Trích Đại Việt Sử Ký toàn thư, bản kỷ thực lục Q1, Đời hậu Lê (1433 – 1459)

Căn cứ mối tình bằng hữu và cuộc đời của Cúc Pha và Ức Trai, hậu duệ của Cúc Pha là Nguyễn Xuân Quang có thơ rằng:

ĐEM tài trí gánh giang sơn
RƯỢU cay thế sự thiệt hơn quản gì
NỒNG nàn hương vị sơn khê
CÙNG nhau thơ phú đam mê sắc trời
ÔNG tôi sinh kiếp cùng thời
THƯỞNG ban chức tước được lời vua khen
THỨC lòng lắm kẻ hờn ghen
SAY trong danh vọng trắng đen khó lường.
CÙNG chung kiếp nạn oan trường
NGƯỜI đành đổi họ tha phương xứ người[*]
CHỚ trêu cho cái sự đời
TỈNH xong giấc mộng vua thời minh oan
RIÊNG chung thôi cảnh làm quan
TA về ở ẩn bình an cuộc đời.
    


Lời khuyên của Nguyễn Mộng Tuân cho bạn tri kỷ Nguyễn Trãi hơn 500 năm qua, nay vẫn còn nguyên giá trị.Thật là lòng người khó lường, pha lê không thể để lẫn lộn với gạch đá. Chốn quan trường nghìn năm trước, vạn đời sau có khác gì chăng? 

Xuân Văn

[*] Con cháu Nguyễn Mộng Tuân chạy từ Đông Anh Đông Sơn về Kẻ Rị, Thiệu Hóa lánh nạn, đổi thành họ Nguyễn Xuân

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn