Các kỳ thi: Thi Hương, Thi Hội, Thi Đình

Thi Hương

Thường cứ ba năm có một kỳ thi Hương, thi Hương gồm 4 kỳ, mỗi kỳ cách nhau khoảng 6 ngày để Ban Giám khảo có đủ thời gian chấm bài. Ai đậu kỳ nhất mới được vào kỳ thi hai. Các kỳ Ba, Bốn cũng vậy.

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Ai đậu kỳ Ba gọi là Tú tài, ai đậu kỳ Bốn gọi là Cử nhân {đời Trần gọi là cử nhân, đời Lê gọi là Hương cống (Cống sĩ), đến đời Nguyễn lại gọi là cử nhân.  Đời Lê gọi người đậu kỳ Ba là Sinh đồ, đời Nguyễn gọi là Tú tài}. Những người đậu tú tài ba năm sau muốn thi để hi vọng đậu cử nhân vẫn phải thi lại từ kỳ Nhất. Nếu không đậu vẫn được giữ danh hiệu tú tài. Nếu đậu tú tài lần hai thì gọi là tú tài kép (có người đậu đến 3 lần tú tài gọi là ông Mền, bốn lần gọi là tú Đúp). (Thời Nguyễn, ông Nguyễn Duy Thành, Thọ Xuân năm lần đỗ tú tài, đến 75 tuổi mới đỗ cử nhân).

Người đỗ đầu gọi là thủ khoa (Giải Nguyên).  Đậu tú tài được miễn phu phen tạp dịch, nộp sưu. Đậu cử nhận được học bổng thi ôn tại Quốc Tử Giám để chờ năm sau thi Hội. Nếu muốn ra làm quan phải qua kỳ sát hạch, nếu đậu sẽ được bổ tri huyện hoặc giáo thụ (chức quan coi việc học ở huyện).

Các kỳ thi Hương cũng rất ngặt. Ai phạm húy (tên vua hoặc bố mẹ ông bà vua không được dùng khi làm bài hoặc phải viết tránh đi) bị tội nhẹ hoặc nặng tùy theo lỗi. Khi làm bài, nếu viết sai chính tả cũng bị trừ điểm. Ông Nguyễn Bật người Phượng Đình – Hoằng Hóa cả 4 kỳ thi rất tốt, kỳ bốn chỉ một chữ sai chính tả (viết thừa nét) mà không đậu cử nhận, bị xếp xuống tú tài.

Thi Hội

Thị Hội được quy định thi ở Kinh đô. Tới kỳ thi Hội, các cử nhân trong cả nước về thi (Cả cử nhân nhiều khóa trước đã hỏng kỳ thi Hội trước). Vì vậy có khoa trên năm ngàn người.

Thi Hội cũng có bốn kỳ (thường gọi là bốn trường) như thi Hương và các loại bài cũng vậy, chỉ đề thi khó hơn. Ai đầu kỳ thi trước mới được vào kỳ sau. Người đậu thi Hội chưa được phong học vị, chỉ được quyền lợi vào thi Đình (và cũng chỉ một khoa thi Đình đó mà thôi. Nếu không đậu thi Đình chỉ còn lại học vị cử nhân). Các khoa sau phải thi lại từ kỳ Nhất. Học trò thi Hội không phải mang lều chõng như thi Hương mà đã sẵn lều chõng ghi tên từ khi lập danh sách các kỳ thi Hội.

Thi Đình

Thi Đình quy định tại sân rồng trong cung điện nhà vua, do vua ra đề và làm chủ khảo. Thường chỉ còn lại dưới trăm người. Ở sân rồng có để sẵn bàn ghế, giấy bút để thí sinh làm bài. Thí sinh cũng không phải mang theo thức ăn như thi Hương, thi Hội. Mỗi lần được ban thức ăn, thí sinh phải đứng lên để lạy tạ vua. Đề thi Đình thường khó hơn, có khi hỏi về một vấn đề triều đình đang quan tâm như dẹp loạn, khai hoang, chính sách thuế (Đời Tự Đức, có lần hỏi nên hòa hay nên chiến với Pháp). Tuy vậy, thí sinh vẫn loanh quanh trong khuôn khổ sách Tứ thư, Ngũ Kinh, ít khi dám sáng tạo.

Tài liệu tham khảo

-        Theo danh sĩ Thanh Hóa và việc học thời xưa, 1995, Trần Văn Thịnh chủ biên;

-        Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú;

-        Thi cử, học vị, học hàm dưới các triều đại phong kiến Việt Nam của Đinh Văn Niêm.


Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn