ĐƯỜNG LÂM, ĐẤT HAI VUA, THIÊN HẠ ĐÂU SÁNH KỊP.

 Lâu nay tôi vẫn nghe về xã Đường Lâm, đầu Xuân Ất Tỵ, tôi đến thăm Đường Lâm, địa linh nhân kiệt, trầm tích về lịch sử văn hóa, người dân nơi đây đang phát huy được giá trị lịch sử văn hóa quê hương, làng Mông Phụ sống được bằng di sản do tiền nhân để lại.

Cổng làng Mông Phụ, Đường Lâm

Có thể nói thế đất, hình sông, truyền thống nơi đây đã hun đúc được những người con dũng trí làm nên đại nghiệp để đời như: Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, thủ lĩnh đánh bại chính quyền đô hộ của Nhà Đường; Ngô Quyền đánh đuổi quân Nam Hán chấm dứt ngàn năm Bắc Thuộc đặt nền móng độc lập dài lâu cho nước Việt ta.

Trong lịch sử Việt Nam, người đi sứ thì nhiều, nhưng người có khí phách như Thám hoa Giang Văn Minh, lấy cái chết để giữ thanh danh, giữ được quốc thể thì có ai bằng? Ông được vua Lê Thần Tông cử chúa Trịnh Tráng bái kiến linh cữu và ban tặng câu: "Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng" (Đi sứ không làm nhục mệnh vua, xứng đáng là anh hùng thiên cổ).

Thật là! Biết sống thì sống, không biết sống thì chết; nhưng biết chết thì sống mãi cùng non sông. Người biết và làm được như vậy thì chỉ có thể là bậc “Quân tử”, sứ thần Giang Văn Minh là người như vậy!.

Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, người Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, nguyên Đại sứ VN tại Trung quốc, 100 tuổi vẫn lên tiếng cảnh báo, chống Trung+ xâm phạm lãnh thổ, sau này cũng về yên giấc ngàn thu cùng Sứ thần Giang Văn Minh trên đất Đường Lâm sẽ là câu chuyện ý nghĩa để đời sau thỏa sức luận bàn!

Làng cổ, VN có nhiều làng như: Làng cổ Đông Sơn, P. Hàm Rồng, TP. Thanh Hóa, tên làng được đặt cho tên nền Văn hóa Đông Sơn, núi sông cẩm tú, cảnh sắc bốn mùa; làng Khoa bảng như: Kẻ Rị, Kẻ Bôn, Vĩnh Trị, Kẻ Bột…; làng sinh vua, phát chúa cũng lắm…, nhưng giữ được cảnh cũ, hồn quê, người dân sống được nhờ di sản của tiền nhân như làng Mộng Phụ, Đường Lâm thì không nơi nào bằng.

Ngoài các nhân vật lịch sử trên, đây cũng là vùng đất sinh ra Man Thiện (mẹ của hai Bà Trưng), Bà chúa Mía (người xây chùa Mía, cung phi của chúa Trịnh Tráng), Phó bảng Kiều Oánh Mậu, Khâm sai Đại thần, Phó Thủ tướng Phan Kế Toại, Bộ trưởng Thủy lợi Hà Kế Tấn, Họa sĩ Phan Kế An,...


Đình làng Mông Phụ

Ngày nay Đất và Người Đường Lâm vẫn phát huy, tiếp nối được truyền thống khoa bảng, chống giặc ngoại xâm công trạng của họ để đời sau luận bàn. Thật là! Đường Lâm, Đất có khí thiêng, Người có khí phách đời nào cũng sinh ra anh tài làm rạng danh tổ quốc, làm gương sáng cho đời sau.

Quả thật, Đất này, truyền thống này ắt sinh ra những người này và làm được những việc kia!

Chao ôi! Nghĩ mà khâm phục biết chừng nào, Đất và Người Đường Lâm quả là như vậy!


Bài và ảnh: Nguyễn Xuân Văn

 

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn