Suy ngẫm sự đời

Trời đất không thiên vị ai, nên luôn che chở, nuôi dưỡng muôn loài, vạn vật; nhật nguyệt không của riêng ai, nên không ai không được tận hưởng; thời gian luôn vận hành theo quy luật ngày đêm và các mùa không ai tác động được.

Đạo trời vốn cân bằng, không ai cản được, thuận thì sinh, nghịch thì tử; không phân biệt phú quý, hèn sang. Giàu, nghèo chỉ là tức thời; sinh tử là bất biến, sinh có hạn, tử bất kỳ; một điều không bao giờ thay đổi là mọi điều luôn thay đổi, muốn người khác thay đổi mình nên thay đổi trước.

Con người là một trong những sản phẩm của trời đất tạo ra, nuôi dưỡng, cưu mang và ôm ấp; sinh, lão, bệnh, tử là quy luật của trời đất, không ai tránh được, mặc dù bầu trời là bao la, đất mẹ thì rộng khắp, nhưng bản thân mỗi con người luôn phải sống bon chen, eo hẹp trong không gian bao la và thời gian vô tận của trời đất.

Con người khi trong bụng mẹ đã phải bó mình, để cho nó phù hợp với không gian chật hẹp nhỏ bé, tối tăm; mặc dù có không thích, có đạp chân múa tay, kể cả minh quân, thánh nhân thì cũng không thoát ra khỏi quy luật được. Đến khi đủ chín tháng mười ngày, thì thoát được ra khỏi bụng mẹ chật hẹp, nhưng lại phải đi qua quãng đường chật hẹp hơn. Lớn lên con người lại sống trong không gian chật hẹp; chen nhau để tồn tại hàng ngày; ganh đua nhau trong học tập, cạnh tranh nhau công việc, và cả tình yêu. Mong muốn của cuộc sống thì vô cùng, nhưng tài nguyên lại có hạn, do vậy dễ tạo ra mâu thuẫn, xung đột. Chính vì mưu sinh, cạnh tranh và bon chen trong cuộc sống nên đã tạo ra sự hơn kém, trong thời điểm tức thời đó, người giàu thì huênh khoang, người nghèo thì cảm thấy hèn yếu, thiếu tự tin. Nhưng một số người lại quên mất rằng, lúc gần đất xa trời có ai giàu có mà lại làm hai mộ đâu (trừ vua chúa ngày xưa, thường làm nhiều mộ giả, nhưng làm nhiều mộ giả của vua chúa ngày xưa đâu phải là vì giàu sang, mà vì sợ người đời đào phá bỏ đi). Kết cục là anh giàu có, oanh liệt một thời lại ở cùng với người lầm than, mà lâu nay có thể bị lãng quên. Cuối cùng mọi người lại phải ở một nơi chật hẹp, chen chúc hơn khi liền đất xa trời, nhưng chưa phải là lúc chật hẹp nhất; còn có lúc chật hẹp hơn đến mức mà cả hội đồng gia tiên chỉ ở vẻn vẹn một bàn thờ hay bát hương nhỏ xíu; khi đó ngự ở vị trí nào, hướng nào mình cũng không tự quyết được mà là do người khác quyết định. Chính mọi thứ đều hạn chế, và phải ganh đua nên xã hội mới trường tồn, lớp sau nối đời trước. 

Tiền không phải là tất cả, nhưng tất cả có thể mua bằng tiền. Tiền hay của cải vật chất, không phải là riêng của bất cứ ai; mà là của mọi người trong thiên hạ. Bất cứ ai có được nó, chỉ là tạm thời, vì nó ghé qua ở nhà mình tạm một thời gian, rồi nó lại bỏ mình để ra đi; nếu mình cố tình giữ nó lại lâu trong nhà, thì nó sẽ tạm ở lại, nhưng cuối cùng mình lại ra đi. Tóm lại, mình không giữ được nó, mà cũng không nên tự hào nhiều vì nó. Chỉ có nhờ nó mà làm được các việc phúc đức trong đời, thì mới ở lại được với người đời theo thời gian. Mọi người có thể kiếm được tiền, nhưng tiêu tiền có ý nghĩa để tạo phúc đức cho đời sau thì nhất thiết người đấy phải có văn hóa. Một đại gia có nhiều tiền, thì tiền đấy đâu phải mình anh ta tạo ra, mà là tổng hợp của rất nhiều người làm ra (Ví dụ: Tiền của ông chủ là do mọi người trong công ty làm ra, sử dụng tài nguyên thiên nhiên của trời đất và trí tuệ tập thể); anh ta chỉ là người nắm được cơ hội, sử dụng thay người khác trong một thời gian ngắn, cuối cùng rồi của thiên lại trả địa.

Khổng Tử dạy: “Ba người đi cùng tất có một người làm thầy ta được”; cuộc sống cũng dạy ta rằng: “trong ba người, có thể sẽ có ít nhất một người cản đường ta đi” những người cản đường ta đi, mặc dù không phải là thầy của ta, nhưng đã dạy ta nhiều điều; dạy cho ta hiểu biết thêm kinh nghiệm trong cuộc sống, làm giảm bớt cái tôi, sự tự phụ, sự chủ quan của ta; nhưng lại tăng sự khôn ngoan và ý chí của ta.

Cổ nhân đúc kết "Không ai giàu ba họ, không ai khó ba Đời", đấy là quy luật bất biến của trời đất, đạo trời luôn công bằng, nếu không công bằng thì một ngày nào đó sẽ có kẻ ngông cuồng định phá cả trời. Nhờ có đạo trời công bằng mà cuộc sống luôn tồn tại và phát triển. Có những người khi nghèo thì gia đình đầm ấm, chan hòa với cộng đồng, và quyết tâm vượt lên trên hiện tại; nhờ có cơ hội và nỗ lực mà trở nên giàu có, hay thăng quan tiến chức. Khi đạt được mong muốn giàu có hay địa vị cao, thì lúc đó lại sinh ra mâu thuẫn, ví dụ: Đã có kinh tế hay địa vị ở vị trí cao hơn thì thời gian quây quần với gia đình và người thân thường ít và khác đi, trong khi vợ/chồng lại muốn được như ngày xưa; do đó, một số người cứ nối tiếc cái không khí gia đình ngày xưa. Điều này thật khó, vì sao vậy? Vì những người đó chưa hiểu quy luật của cuộc sống. Khó có chuyện có được nhiều tiền và địa vị cao hơn lại có nhiều thời gian bên nhau như thuở hàn vi. Khi con người ta có tiền và quyền, thì lại phải làm mới mình để phù hợp với đẳng cấp mới, vô tình xa rời giá trị truyền thống. Nếu không có điểm dừng và quản lý tốt các mâu thuẫn phát sinh, thì tạo nên những bệnh mới, đấy là bệnh của nhà giàu, phá hoại cuộc sống gia đình, dòng họ, và là gánh nặng cho xã hội, như đua xe, hút hít, HIV/AIDS…đây phải chăng là hình phạt tru di tam tộc kiểu mới mà trời đất tạo ra?

Ngược lại, có những gia đình nghèo khổ bao đời, lam lũ lầm than, đến nỗi ngay cả bản thân họ và cộng đồng cứ tưởng là họ sinh ra để mà khổ, ngay cả giấc mơ họ cũng không dám, mà chỉ âm thầm ước mong lặng lẽ. Nhưng chính hoàn cảnh đó đã tạo ra những ý chí vượt khó phi thường, làm thay đổi cuộc sống gia đình và kể cả dòng họ. Thế mới có chuyện nhiều nhà rất khó khăn, kể cả bố mẹ không biết chữ nhưng con cái lại học giỏi, giỏi người, giỏi nết; quy luật này khó mà giải thích bằng quy luật di truyền được; mà chỉ có thể tạm giải thích bằng quy luật của trời đất và quy luật của cuộc sống vậy. Đạo trời là công bằng vì nếu không như vậy, thì những gia đình này khổ đến bao giờ đây? Và phải chăng những người giỏi người, giỏi nết sẽ thay thế cuộc sống và xã hội trong tương lai, theo quy luật của tự nhiên.

Thánh nhân xưa thường bàn tới chữ “Tài và Đức”, đến ngày nay người đời bàn thêm chữ Tài, Tâm, Tầm. Tất cả các đức tính trên là những điều mà tất cả mọi người đều tôn vinh và mong muốn. Nhưng sự đời không đơn giản; vì có lúc, có nơi người có đủ Tài Đức, Tâm, Tầm lại chưa hẳn được trọng dụng, đôi khi, nhiều nơi người tài đức lại bị tiểu nhân làm nhục. Vì sao lại như vậy? là vì thiếu đi chữ Phúc, Phúc cho gia đình, Phúc cho dòng họ, Phúc cho quốc gia, và cho toàn thiên hạ. Có ai sống mà không sống bằng mệnh đâu? nhưng mệnh mình do đâu mà ra, thì mọi người thường khó biết rõ. Tiền nhan quan niệm rằng “Mệnh tại Phúc, Phúc tại Tâm”; có Tâm vẫn chưa đủ (giải thích ở trên); muốn tồn tại cùng với xu thế thời cuộc có phải cần có chữ Hòa không? Luôn phải sống “hài hòa với các mối quan hệ xã hội, hòa hợp với quy luật của trời đất”; Thật không đơn giản, có thể chỉ có thánh nhân mới làm được điều này. Nhưng các thánh nhân xưa, đâu phải ai cũng có cuộc sống vẹn toàn, sóng yên biển lặng, đôi khi cũng bị tiểu nhân ngăn cản và làm hại.

Không ai không quý trọng cuộc sống, kể cả con vật; nhưng cuộc sống không đơn giản, biết sống thì sống, không biết sống thì chết, nhưng biết chết thì lại sống mãi cùng non sông. Những người biết chết đúng lúc là những người qúy trọng giá trị cuộc sống và biết quy luật của cuộc sống và biết đạo. Ví như Trung túc Vương Lê Lai hy sinh mình để cứu chúa, để góp phần cứu cả một dân tộc là một người như vậy. Để lại tiếng thơm muôn thuở, hậu sinh hương khói ngàn thu. Ngược lại một đại Hoàng Đế như Tần Thủy Hoàng là một anh hùng số một của Trung Quốc, trong lúc chiến tranh không sợ cái chết mà làm nên đại nghiệp; nhưng khi làm nên đại nghiệp lại sợ cái chết, do vậy mà mất rất nhiều thời gian, sức người, sức của để tìm thuốc trường sinh bất lão, nhưng cũng không tránh được cái chết, cái chết nhất là làm chết cả một triều đại huy hoàng trong chốc lát, để cho một số cận thần hả dạ, và người đời sau chê cười. Hiểu được đạo, để lại tấm gương cho hậu thế, giữa Trung túc Vương Lê Lai và Hoàng Đế Tần Thủy Hoàng có thể so sánh được, nhưng ai hơn ai thì mong người đời suy ngẫm. Có thể coi Trung túc Vương Lê Lại là bậc thánh nhân vậy, vì ông đã hiểu được đạo và giá trị cuộc sống, và biết hy sinh, và hy sinh đúng lúc, nếu ông không biết hy sinh đúng lúc, liệu ông có sống lâu hơn các bậc công thần khai quốc khác cùng thời với ông, như: Lê Sát, Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, Nguyễn Trãi, và Nguyễn Mộng Tuân…không? Có thể ông hiểu được quy luật “Cáo chết cung treo” chăng?

Quy luật của trời đất và cuộc sống là công bằng; nhưng xét trên trong khoảng thời gian và không gian hẹp thì lại không như vậy. Trong cuộc sống có thể có bình đẳng, và văn minh; nhưng rất khó có công bằng; nhưng nhất thiết nên có “trật tự”; trật tự trong gia đình, dòng họ, cơ quan, một thể chế và toàn xã hội. Nhờ có trật tự mà cuộc sống mới bình yên và duy trì được các giá trị của cuộc sống. Muốn trật tự đó hay người khác thay đổi, thì mình phải thay đổi trước.

Cây cối vốn mọc trong rừng, ngoài đồng, ven sông suối, nhưng có cây lại được mọc trong chậu, và để trong nhà, có thể nó được đứng những nơi mà số đông người đời không được đến, và được nâng niu và chăm sóc kỹ lưỡng của con người danh tiếng, và nó trở nên vô giá. Vì sao lại có sự khác biệt như vậy? Vì những cây được ở trong nhà là do nó bị con người hay khắc nghiệt của tự nhiên uốn nắn (rất đau đớn) nên đáp ứng được sở thích của người sử dụng. Giá trị của những cây này cũng luôn biến đổi theo sở thích của chủ sở hữu, trào lưu thời cuộc, và thời gian. Vậy, những người đứng cùng những cây ở nơi mà số đông người đời không được đến, phải chăng họ cũng phải chịu uốn nắn như những cây đó chăng?

                               

                       
                  Cây có giá trị lên, nhờ trải qua quá trình bị uốn nắn đau đớn (ảnh: Internet)

 Cuộc Đời thật ngắn ngủi, sự sống chỉ là thoáng qua, cái chết chỉ là chuyển tiếp; giàu nghèo, sang hèn chỉ là tương đối, vẻ vang chỉ là quá khứ, địa vị là tạm thời; hiểu được đạo là bất diệt. Chỉ có việc làm phúc đức mới trường tồn lưu hậu thế. Thời gian có hạn, ai hiểu được quy luật của trời đất và cuộc sống, cố gắng vươn lên, mục tiêu cuối cùng không phải vật chất, mà là những việc làm nhân nghĩa, phúc đức thì sống mãi qua truyền miệng và sử sách. Nếu có điều kiện giúp đỡ được ai làm việc tốt, thì phải làm ngay, nếu không sau này muốn giúp thì lại không có điều kiện vì đã muộn; và nếu có giúp được ai cũng không nên tự kiêu, vì nếu mình không giúp thì tự mình đã mất cơ hội làm việc đức. Giúp người không cầu danh lợi, vì cuộc sống đã trả ơn ta rồi; vì nếu ai cũng có điều kiện và may mắn như mình, thì làm sao mình làm được việc đức, và để người Đời công nhận và ghi danh (dù mình có không nghĩ tới nhưng người Đời vẫn công nhận); Do vậy nếu phải trả ơn thì chưa biết ai phải trả ơn ai? 

Xuân Văn, 2007

                                                                        

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn