“Kính lão đắc thọ” – Nét riêng của người Kẻ Rị

“Kính lão đắc thọ” – Nét riêng của người Kẻ Rị

“Kính lão đắc thọ” là đạo lý tốt đẹp mà dân tộc ta áp dụng từ ngàn đời nay. Trên vùng đất Kẻ Rị (thuộc xã Thiệu Trung – Thiệu Hóa – Thanh Hóa) có những nét đáng suy ngẫm như sau:

Sổ Hương ẩm của Kẻ Rị chép rằng:

Chiếu giữa dành cho cụ Tiên chỉ và quan tước triều đình. Cụ Tiên chỉ 90 tuổi ngồi ngang hàng với tiến sĩ (văn) hay quận công (võ). Nếu có cả tiến sĩ và quận công ngồi bên “Tả” (trái), cụ tiên chi ngồi bên “Hữu” (phải) với qui ước “nhất Tả nhị Hữu”.

- Từ đó trở xuống:

          + Cử nhân ngồi cùng chiếu với cụ 80 tuổi;

          + Tú tài ngồi cùng chiếu với cụ 70 tuổi;

          + Lý trưởng ngồi cùng chiếu với cụ 70 tuổi;

          + Ông đồ ngồi cùng chiếu với cụ 60 tuổi”.

Tại Lễ hội Kẻ Rị - Kẻ Chè, 2024, làng Diên Hào (thuộc Kẻ Rị) tổ chức Lễ khánh thành Giếng Ngọc Diên Hào. Kinh phí do các mạnh thường quân là con em của làng và người dân đóng góp.

30 bô lão cắt băng khánh thành giếng làng

Điều thú vị khi chứng kiến Lễ cắt băng khánh thành, chỉ các bô lão cắt băng khành khành (không phân biệt các bô lão có đóng tiền không hay không? không có sự hiện diện của mạnh thường quân hay cán bộ làng, xã cắt băng khánh thành, họ chỉ là người hỗ trợ giúp các bô lão). Cụ bà bê khay, cụ ông cắt.

Tại buổi Lễ, người dân có rước kiệu Đức Thành hoàng làng Thái Tố (Thiên Thần) đến chứng kiến.

Cách làm này, dân làng đã tri ân các bô lão và Thành Hoàng làng, những người gắn bó và bảo vệ giếng nói riêng, dân làng nói chung.

Thiết nghĩ, ở đâu đó tình trạng ngược đãi người cao tuổi thường xảy ra, thì người dân Kẻ Rị vẫn có cách làm riêng để tiếp nối truyền thống “Kính lão đắc thọ” từ ngàn đời nay.

Thật là, từ người nghèo trở thành người có tiền, có thể chỉ phấn đấu trong một vài năm, thậm chí vài tháng, vài ngày. Nhưng ứng xử, giữ được đạo thì cần phải có nền tảng văn hóa truyền thống qua nhiều thế hệ.

P/S: Giếng Ngọc Diên Hào có từ rất lâu đời, giếng đã cung cấp nước cho dân làng làng từ hàng trăm năm qua và Thường trực UB Hành chính tỉnh Thanh Hóa, Lực lượng Vũ trang khi sơ tán và làm việc ở Kẻ Rị, giai đoạn 1964 – 1972.

Tuân lệnh các bô lão, con cháu góp kinh phí để xây thành giếng, tránh bị xâm lấn (trước đây bằng đất): Chất liệu bằng đá khối, đá đục đẽo tranh Tứ quý: Tùng, Cúc, Trúc, Mai và Ngũ phúc lâm môn. Hai bên bậc giếng: Bên tả: Bức họa vinh quy bái tổ; bên hữu: Bức họa: Cảnh các mẹ, các chị gánh nước nuôi chồng con đi học.

Cuốn thư: Ghi tích giếng, bên tả có bút lông, thể hiện làng khoa bảng xưa, đất nước thái bình (không có kiếm – theo các bậc tiền nhân dạy rằng: “Cây bút bằng năm vạn quân”), thể hiện viết lên trời xanh công đức của các thế hệ tiền nhân, để đời sau được tỏ.

NỘI DUNG GIẾNG NGỌC

“Tiền nhân đã tạo Giếng Ngọc Diên Hào, khơi thông mạch khí.

Đất Diên Hào vượng khí;

Người Kẻ Rị tài danh.

Theo các bô lão: "Giếng Ngọc là huyệt đạo của làng, có mạch từ Ngàn Nưa trong vắt, lớn nhất trong vùng, tát không thể cạn. Trước năm 1990, cả làng dùng chung nguồn nước này. Giếng là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho Ủy ban Hành chính và Lực lượng Vũ trang tỉnh Thanh Hóa từ năm 1964 - 1972".

 Nhằm ngăn chặn bồi lấp, Dân làng xây thành giếng (năm 2017, 2020), giữ lại di tích lịch sử văn hóa, mạch khí cho đời sau để không mắc tội với tiền nhân, mắc lỗi với hậu thế. Giếng còn thì mạch nước khơi thông, nguyên khí vượng; cành lá sum suê, hoa quả trĩu; trước đã sinh Lân, nay nở thêm Phượng; tu thân rèn chí tỏ con Rồng!”.

Nội dung tích giếng

 

 

 

 

  

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn