Có thể nói văn hóa còn, dân tộc còn; văn hóa Việt Nam bắt nguồn và mang đậm văn hóa làng xã. Trong giai đoạn 1.000 đô hộ, nhà Hán không tác động được trực tiếp đến làng xã, không thay đổi được văn hóa làng xã, nên bản sắc văn hóa làng xã của người Việt được gìn giữ. Do vậy dân tộc Việt lại đứng lên sau hơn 1000 năm đô hộ.
Mỗi xóm, mỗi làng đều có
tên riêng, gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của mỗi vùng đất, cụm
dân cư. Trải qua thăng trầm của lịch sử, tên làng có thể bị thay đổi, mỗi lần
thay đổi đều liên quan đến những điển tích, mang đậm dấu ấn lịch sử văn hóa. Kể
cả không có điển tích hình thành làng, như liên quan đến vị thành hoàng làng,
hay tên gọi do vua ban... thì các cụ cũng khéo léo dùng từ có ý nghĩa thể hiện
khát vọng của xóm làng.
Tuy nhiên, chỉ trong 70 năm qua, nhiều tên xóm, tên làng ở nhiều nơi đã bị thay đổi 1800, lu mờ hết ý nghĩa của tên xóm, tên làng thông qua số hóa một cách vô hồn. Thời hợp tác xã các làng được đổi thành đội: Đội 1, đội 2,.....Sau thời Bao Cấp, các đội (tức các làng xưa) lại bị đổi sang thôn 1, thôn 2, thôn 3...., các xóm cũng được số hóa hết. Đến nỗi, lớp trẻ không biết làng mình tên gì, xóm gì. Nhiều làng còn giữ được tên làng, nhưng lại gắn danh hiệu làng văn hóa trước tên làng, VD: Làng Văn hóa Yên Ninh (xem hình), hoặc đổi thành tên Làng Văn Hóa. Như vậy, tên làng đã bị biến dạng, thay đổi một cách vô thức.
Cũng giống nhiều vùng quê
khác, quê tôi cũng có nhiều cái tên xóm, tên làng có nhiều ý nghĩa, nay cũng bị
số hóa. Xóm tôi là xóm Cồn Ốc, trước đây cả làng đói kém, ăn ốc thay cơm, cả
làng đem đổ vỏ ốc cao thành cồn, nên có tên là xóm Cồn Ốc, mặc tên không được đẹp,
nhưng lại có ý nghĩa sâu sắc về một giai đoạn khó khăn của ông cha, tên xóm
đáng được giữ lại để đời sau được tỏ, thì nay bị đổi thành xóm số 4 (Bản
thân tôi cũng không biết xóm mình là xóm số mấy, hôm nọ gia đình có việc, thì mới
biết là xóm 4). Hay làng Thần Hậu, xã Thiệu Trung là quê hương của trạng
nguyên Đào Tiêu (khoa thi 1275), Đào Tiêu được vua phong là Phúc Thần, do vậy
làng có tên là thần hậu, nhưng nay đã bị đổi thành thôn 3.
Mỗi làng thường có thành
hoàng làng gắn với tên làng. Thời gian gần đây, nhiều nơi khôi phục được hội
làng truyền thống, tế thành hoàng làng. Nhưng khi rước kiệu, hay tế lễ, thì tên
làng không được nhắc, mà lại nhắc tên thôn theo số học. Do vậy, các vị thành
hoàng làng, dù là nhân thần hay thiên thần, có thần thông quảng đại đến đâu thì
cũng không tránh khói ngơ ngác trước cảnh trớ trêu này.
Văn Hóa làng đã bị trải
qua cơn khủng hoảng, đảo lộn, đau đớn do sai lầm trong cải cách ruộng đất và cách
mạng văn hóa. Thì nay lại đang bị lu mờ do số hóa tên làng, tên xóm trở thành
những cái tên vô hồn.