KẺ BÔN, ĐẤT ÔNG ĐỒ

 Kẻ Bôn (nay là Đông Thanh – huyện Đông Sơn), làng Việt cổ bên bờ sông Lê. Ở Xứ Thanh, nếu Hoằng Lộc xem học là một nghề, “Nghề học”, thì Kẻ Bôn dạy học là “Nghề”. Có lẽ vậy, mà người dân trong vùng hay kể về “Ông Đồ” Kẻ Bôn.


Thời Phong Kiến, ông Đồ Kẻ Bôn đã có những học trò xuất sắc, gắn liền với lịch sử dân tộc như: Bảng nhãn Lê Văn Hưu và trạng nguyên Lê Quát (thời Trần), vua Lê Anh Tông và vua Lê Thế Tông (thời Lê Trung Hưng).

Theo Lê Đường Lê Biên (Gia phả họ Lê Văn Hưu, Kẻ Rị) có viết: “Lê Văn Hưu mặt mày đầy đặn, tư chất nhanh sáng, lên chín tuổi theo học ông thầy họ Nguyễn người xã Phúc Triền, học ngày càng tiến, được thầy học yêu khen, được người thầy gả con gái cả cho Lê Văn Hưu”.

Sách Kẻ Rị - Kẻ Chè, 1988, tác giả Lê Huy Trâm, chép rằng: “Cu Quét (Lê Quát) sang học với thầy Phúc Triền. Cũng chỉ được mấy tháng trời, quan Bảng cũng khiếp tài anh Cu Quét. Hết cả chữ dạy, quan Bảng giới thiệu lên kinh đô học thầy Chu Văn An với cái tên đầy đủ: Lê Bá Quát[1]. Sau này, người thầy Phúc Triền (Kẻ Bôn) gả con gái cho Lê Quát”.

Nguyễn Văn Nghi (1515 – 1583)[2], đỗ Đệ nhất giáp Chế khoa xuất thân, đứng thứ 2, giữ chức Lại bộ tả thị lang, Đông các đại học sĩ, Nhập thị Kinh diên, tước Bá, sau khi mất được tặng Thượng thư, Thái bảo, phong phúc thần. Sử gia Phan Huy Chú nhận xét về ông như sau: “Ông là bậc danh Nho đỗ cao, được 3 vua tri ngộ, sự nghiệp và tiếng tăm hơn cả các Nho thần đầu thời Trung Hưng”. (Theo Lịch triều hiến chương loại chí). Ông là ân sư của vua Lê Anh Tông và Lê Thế Tông.


                                        Đền thờ Đông Các Đại Học Sĩ Nguyễn Văn Nghi

Như vậy, chính học trò Lê Văn Hưu, Lê Quát, đức vua Lê Anh Tông và đức vua Lê Thế Tông và các thế hệ học trò trong vùng đã làm sáng tỏ tài đức, đạo làm thầy của các ông đồ Kẻ Bôn.


Với truyền thống nho học, Kẻ Bôn là đất khoa bảng của Xứ Thanh, thời Phong Kiến có 7 vị đỗ đại khoa.

1)    Nguyễn Văn Nghi đỗ Đệ nhất giáp Chế khoa, đứng thứ 2, khoa thi năm 1554, Giữ chức Đông các đại học sĩ, Lại bộ tả thị lang, Nhập thị Kinh Diên, tước Bá, Sau khi mất, ông được tặng Thượng thư, Thái bảo, phong phúc thần.

2)     Nguyễn Văn Lễ (cháu nội Nguyễn Văn Nghi), đỗ Hoàng Giáp, khoa thi năm 1602, chức Hàn lâm viện lý, tước Nam;

3)    Lê Khả Trù, đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1628, giữ chức Hộ khoa đô cấp trung sự;

4)     Cao Cử đỗ tiến sĩ khoa thi 1646, giữ chức Giám sát Ngự sử;

5)     Thiều Sỹ Lâm đậu thám hoa khoa thi 1670, giữ chức Tham chính;

6)     Lê Khả Trinh đỗ tiến sĩ khoa thi 1676, giữ chức Hiến sứ, (cháu nội của Lê Khả Trù).

7)    Lê Thế Thứ đỗ Phó bảng khoa thi năm 1844, giữ chức Đốc học. (Phó bảng là học vị lấy thêm, sau tiến sĩ, Phó bảng không được ghi trong Bia)

 

Bia trong đền Nguyễn Văn Nghi

Xã Đông Thanh hiện nay vẫn phát huy được truyền thống khoa bảng, và giữ được nghề truyền thống “Nghề dạy học”, có hàng chục tiến sĩ, hàng trăm thầy cô giáo ở tất cả các cấp học, được các thế hệ học trò tri ân.

Trong số đó, thầy La Đức Quang, ở thầy ta thấy tâm thế của ông đồ Cổ Bôn, tận tâm với chuyên môn, không màng chính trị. Thầy giúp bao thế hệ học trò đi tìm đáp án của những bài toán: Đạo hàm, vi phân, tích phân, đi tìm quỹ tích của các điểm; giúp các học trò xác định được “Qũy đạo” hướng đi của chính mình. Thật vậy! Thầy đã định được “quỹ tích” lối đi cho riêng mình từ sớm, nên không màng chính trị, tận tâm vào con số, thơ phú, chữ nghĩa văn chương.

      Thầy La Đức Quang tại Tướng Công Môn - Đền thờ Nguyễn Văn Nghi

Có thể lấy một phần tâm thế của thầy qua bài Thơ “Ngất”

“Đôi khi lất ngất tưởng mình điên

Nghĩ lại là do mình thiếu tiền

Biết lắm cho nên nhiều kẻ ghét

Yêu nhiều chỉ tổ vợ hay ghen

Túi thơ mơ mộng quên trần thế

Bầu rượu bâng khuâng, tiếc cảnh tiên

Ngao ngán buồn tênh khi chợt tỉnh

Vui cùng thơ rượu mộng triền miên.

Có thể tìm thấy khả năng thơ phú, đời thực của thầy qua bài “Giấc Mộng Hoàng Lương”

Một tối tôi mơ gặp Tản Đà

Tay đàn miệng hát dáng hào hoa

Theo hầu còn có mươi tiên nữ

Tha thướt mang thơ rượu với trà

 

Thấy tôi bác gọi bớ thằng em

Chú ở đâu ta? Tớ thấy quen

Có việc chi mà lên thượng giới

Lại đây uống rượu đỡ cơn thèm

 

Chú nói anh nghe ở dưới trần

Dạo này còn nhớ đến thằng Anh

Hay là đổi mới lo nhiều việc

Bỏ cả văn chương để kiếm tiền

 

Anh ở trên này thật sướng ghê

Làm thơ dạy hát cả hai nghề

Rượu say túy lúy quên ngày tháng

Cuộc sống thần tiên thật hết chê

 

Đương khi uống rượu đã ngà say

Nghe hỏi tôi bèn đáp lại ngay

Quả ở trần gian đời đã chán

Nhưng lên thượng giới chắc gì hay

 

Bác Tản tròn xoe mắt ngạc nhiên

Thằng em đã đánh mất lòng tin

Ngọc Hoàng đổi mới nền kinh tế

Cuộc sống bây giờ cuộc sống tiên

 

Hãy lên cùng tớ chú mày ơi!

Uống rượu bình thơ sướng nhất đời

Ngủ dưới gốc đa cùng chú Cuội

Hằng Nga tối tối cũng sang chơi

 

Tôi hét to lên nhất trí thôi

Xin lên hầu bác để mà chơi

Giật mình tỉnh giấc buồn man mác

Giấc mộng Hoàng lương đã hết rồi!

Như vậy, có thể nói Kẻ Bôn xưa, Đông Thanh nay là đất “ông đồ”, địa linh nhân kiệt, đất này sinh ra những người này, làm được những việc kia. Có lẽ vậy mà người dân trong vùng trước đây thường nói “Lấy chồng Bôn Rị làm quan, lấy chồng Tuyên Hóa đốt than lộn chồng”.

Một số hình ảnh khác tại đền thờ tướng công Nguyễn Văn Nghi




Tướng Công Môn


Giếng Ngọc - Đền thờ Nguyễn Văn Nghi


Bia đề dnah tướng công Nguyễn Văn Nghi

Tường đá, gồm những khối đá dài hơn 4m.





Bài và ảnh: Xuân Văn
Vui lòng ghi nguồn nếu sử dụng lại ảnh


[1] Cũng có người gọi ông Lê Bá Quát thời nhỏ là “chũn”  (tiếng địa phương) tức là cái chổi quét chợ  và đậu tiến sĩ thì gọi là Trạng Chũn .

 

[2] Theo Hannom.org chép (1526-1595)


Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn