Có phải Lê Văn Hưu là hậu duệ đời thứ 7 của Lê Lương?

 Lê Văn Hưu (1230 -1322), đỗ bảng nhãn khoa thi năm 1247, ông giữ chức Binh bộ Thượng thư, là tác giả của bộ Đại Việt Sử Ký.

Mộ Lê Văn Hưu tại Mả Giòm, làng Phủ Lý (Kẻ Rị) - Thiệu Trung - Thiệu Hóa, ảnh: Xuân Văn

Căn cứ vào Gia phả họ Lê (Gia Lê Chính phả và Lê Đường Lê Biên), ta thấy Lê Văn Hưu là hậu duệ đời thứ 7 của Trấn bộc xạ tướng công Lê Lương. Nên lâu nay khi viết về Lê Văn Hưu, các tác giả đều cho rằng Lê Văn Hưu là hậu duệ đời thứ 7 của Lê Lương.  Vậy thực tế Lê Văn Hưu là hậu duệ đời thứ mấy của Lê Lương? Ta có thể xem xét các thông tin sau:

A)            Thông tin từ Gia phả họ Lê Lương và Bia Chùa Hương Nghiêm

Theo bản dịch Gia phả của họ Lê Lương (Kẻ Rị) do Biệt Lam Trần Huy Bá dịch (1964). Cuốn gia phả ghi được 21 đời, gồm 2 phần:

Phần 1: Lê Gia Chính Phả do quan chủ bạ Trương Đức Bá biên từ đời 1 đến đời 6. Đời 1 (Lê Lương), đời 6 (Húy là Minh, tự là Văn Thiện - Tức bố của Lê Văn Hưu)

Phần 2: Lê Đường Lê Biên (Không rõ tác giả)

Ghi từ đời 7 (Lê Văn Hưu), đến đời 21 (Lê Văn Dương, ông mới mất năm 1950. Ông Dương không có con trai, chỉ sinh được con gái là bà Lê Thị Hoa, người giữ được cuốn gia phả này).

Tuy nhiên, ghi chép của Gia Lê Chính phả có sai lệch so với Bia Chùa Hương Nghiêm (1124)

Gia Lê Chính phả ghi Đạo Quang Trưởng Lão là đời thứ 2 tức là con của Lê Lương, Thiền Sư Đạo Dung là cháu của Lê Lương.

Bia Chùa Hương Nghiêm ghi Đạo Quang Trưởng Lão là đời 3, tức cháu của Lê Lương, Đạo Dung là chắt (đời 4), xin trích:

 “Đến khi vua Lê Đại Hành đi tuần du đến giang Ngũ Huyện, thấy chùa chiền đã đổ nát, liền cho xây đắp tu bổ lại. Rồi tiếp đến vua Thánh Tông nhà Lý đi tuần phương Nam, tới châu Ái, ghé thăm cảnh chùa, thấy cột kèo đã gãy hỏng, cũng bỏ sức trùng tu. Lại phong cho cháu đích của ông là trưởng lão đạo Quang làm Thiền chủ, và cho năm tên đại hình để hương khói giữ gìn. Trưởng lão tức là thân phụ của thiền sư[1] vậy. ” Bia chùa Hương Nghiêm.

Ta thấy, Bia chùa Hương Nghiêm do Đạo Dung, chắt của Lê Lương dựng năm 1124, trong khi Gia Lê Chính Phả do quan Chủ bạ là Trương Đức Bá viết, cách hơn 100 năm sau khi dựng bia chùa Hương Nghiêm (Vì Gia Lê Chính Phả ghi đến đời thứ 6: Bố của Lê Văn Hưu, trong khi Lê Văn Hưu sinh năm 1230). Do vậy Bia chùa Hương Nghiêm ghi chính xác hơn Lê Gia Chính Phả. Có nghĩa Đạo Quang Trưởng lão là cháu của Lê Lương, chứ không phải là con của Lê Lương (như Gia Lê Chính phả ghi chép)

B)     Khoảng thời gian giữa Lê Lương và Lê Văn Hưu

Bia Chùa Hương Nghiêm chép, xin trích: “Về sau Đinh Tiên Hoàng biết ông là người có đạo nghĩa bèn phong tước Kim tử quang lộc đại phu, cho làm Đô quốc dịch sử quận Cửu Chân, Châu Ái”.

Đinh Tiên Hoàng lên ngôi năm Mậu Thìn (968), Khi đó Lê Lương ít nhất đã 30 tuổi, có nghĩa ông sinh trước năm 938. Giả sử ông sinh năm 938, Lê Văn Hưu sinh năm 1230. Có nghĩa Lê Văn Hưu sinh sau Lê Lương: 292 năm (1230 – 938).

Trung bình một đời là 25 năm thì 292:25 = 11,7 + 1 = 12,7 đời. Nếu Lê Văn Hưu là đời thứ 7 của Lê Lương, thì khoảng cách giữa các đời là: 292: (7 -1) = 48,6 năm (Gia họ Lê Lương ghi dòng trưởng, do vậy khoảng cách giữa các đời hơn 48,6 năm, là không thực tế)

Theo phân tích từ A và B, ta thấy:

-      Gia Lê Chính phả ghi thiếu sót đời 2, nên cho rằng Đạo Quang Trưởng Lão là đời 2, (Bia chùa Hương Nghiêm ghi Đạo Quang Trưởng Lão là đời 3 là chính xác).

-      Lê Văn Hưu không thể là đời thứ 7 của Lê Lương, ít nhất là đời thứ 8, khoảng cách các đời là 41,7 năm [= 292:(8-1)]. (Gia Lê Chính Phả ghi nhầm một đời thứ 2, không rõ các đời sau có ghi thiếu không? Vì bia chùa Hương Nghiêm chỉ ghi đời 1, 3, 4 nên không có thông tin để đối chiếu).

Lời bàn:

Tại sao quan chủ bạ Trương Đức Bá không kiểm tra, lấy thông tin từ bia chùa Hương Nghiêm khi viết Gia Lê Chính Phả? Lê Văn Hưu là người viết quốc sử, ông là người sống thọ 92 tuổi, tại sao ông không viết gia phả họ Lê? Và ông cũng không kiểm tra thông tin giữa Gia Lê Chính Phả và bia chùa Hương Nghiêm do chính tổ tiên của ông viết trước đó hơn 100 năm? Và hàng loạt câu hỏi khác, mà khó có câu trả lời.

 Bài và ảnh: Xuân Văn

[1] Tức Lê Chính, hiệu Văn Tống, tức Đạo Dung

Phụ lục

Gia Lê Chính Phả và Lê Đường Lê Biên (theo Kẻ Rị - Kẻ Chè, 1988)

Gia phả nhà họ Lê (Kẻ Rị) lưu giữ tại nhà ông giáo Điền (chồng bà Lê Thị Huệ). Bà Huê là con ông Lê văn Dương thuộc dòng đích. Ông Dương không có con trai, đến bà Huệ là hết. Dòng họ Lê này hiện còn ông Lê Văn Vĩnh (em ông Dương) là dòng thứ.

Gia phả này ghi cả thảy 21 đời chia làm 2 phần:

Lê gia chính phả: Ghi 6 đời (Do quan chủ bạ Trương Đức Bá chép)

Lê Đường thế biên: Bắt đầu từ Lê Văn Hưu, tính là 15 đời (đến đời ông Lê Văn Dương mới chết gần đây), không rõ người ghi.

Bản gia phả chữ Hán này do cụ Biệt Lam Trần Huy Bá dịch.

Lê gia chính phả:

Đời thứ Nhất: Sơ tổ là Trấn quốc công, Bộc xạ tướng công huý là Hùng Vũ.

Ghi nhỏ:  Huý là Vũ[1], trong nhà giàu có thóc chứa hơn trăm kho, trong cửa nuôi ba ngàn khách. Ông rất sùng đạo Phật. Lúc ấy trong Châu quận thường bị đói kém, ông bèn chia thóc của nhà để chu cấp cho nhà thiếu ăn.

Khi vua Đinh mở nước, ngôi vua đã vững, nghe thấy ông có đạo tâm, vua xuống chiếu mời ông tới hành tạ hạ ban sắc cho nửa kỳ (500 dặm vuông) phía đông (?) tứ xứ Ma La, phía Nam (?) tới xứ Cốc Cước. Đến thời Lê Đại Hành cũng vẫn theo như thế mà phong sắc cho.

Ông hưởng thọ 73 tuổi, mộ táng ở xứ Mả Trong (có lẽ là Mả Choòng) về phía Bắc toạ tỵ hướng hợi.

Đời thứ Hai: Tổ thứ hai[2], chức Quản giới xứ, hiệu là Đạo Quang trưởng lão.

Ghi nhỏ:  Huý là Dụng, nối nghiệp cha, giữ gìn thực ấp, hưởng thọ 75 tuổi, mất ngày 21 tháng 3.

Đời thứ Ba: Tổ thứ ba chức Nội tỉnh đô tri kiểm hiệu Thái Phó kiêm cung dịch sứ đại tướng quân, kim tử quang lộc đại phu, Thượng trụ khai quốc công.

Ghi nhỏ: Huý là Chính, hiệu là Văn Tống, Kế làm quản giới xứ nối nghiệp ông cha, ngày đêm tu hành chuyên tâm về Đạo Phật. Lúc ấy nhà Lý tôn sùng Đạo Phật, ban sắc cho ông làm Thiền chủ. Đến thời Lý Thánh Tông (1054 - 1071) cho triệu vào nội thị, ngày đêm giảng bàn về Đạo Phật, càng được yêu chuộng. Dịp đến vua Minh Hiếu hoàng đế (?) lại ban sắc phong âm nội tỉnh đô tri, kiểm hiệu Thái phó kiêm cung dịch sứ đại tướng quân kim tử quang lộc đại phu. Thượng trụ khai quốc công, hưởng thọ 73 tuổi, mất ngày 10 tháng Hai. Mộ táng tại phía Đông Mả Ngòn toạ quý, hướng đinh. Sinh hạ 5 con, trưởng là Văn Quý.

Đời thứ Tư: Tổ thứ Tư, chức Quản giới, hiệu là thiền Quang Trưởng lão[3].

Ghi nhỏ: Húy là Quý, kế làm Quản giới xứ, tu giảng kinh tiên, được phong làm Thiền quan Trưởng lão Hưởng thọ 68 tuổi, mất ngày 21 tháng 3. Mộ táng ở xứ đồng Mả Hón (hay Mả Dỗn), sinh 5 con.

Đời thứ Năm: Tổ thứ năm thuỵ là Phúc Văn, tự là Văn Bảo.

Ghi nhỏ: Huý là Trung, lúc ấy nhà Lý gần suy. Ông lui về nơi điền Lý, thường dạy con rằng: “Nhà ta trải qua nhiều đời chuyên lấy đạo Phật làm trọng đều được vua ban ơn cho vinh hiển; chúng con nên tu nhân tích đức giảng kinh học đạo, lấy văn chương là lòng, sẽ được lưu danh ở đời. Hưởng thọ 73 tuổi, mất ngày 23 tháng Ba. Mộ táng ở xứ Mả Mão (?) sinh ra Văn Thiện”.

Đời thứ Sáu: Huý là Phúc Thiện (?).

Ghi nhỏ: Huý là Minh, tự là Văn Thiện, lấy con gái lành nhà họ Đỗ, chưa được nữa năm đến ngày mồng 1 tháng 11 thì bị bệnh mất. Lúc ấy, bà vợ mới có mang 4 tháng. Một đêm nằm mộng thấy có người dẫn đến xứ Mã Dỗn, chỉ tay bảo rằng: “nên đưa mả chồng nàng đến táng ở chỗ huỵêt này, toạ đông hướng tây, cấn xương canh hưởng (?) thì con ra đời sẽ đậu khôi nguyên”. Khi bà tỉnh ra, nói với cha, ông bèn đem mộ người con rể đến táng vào xứ huyệt xứ ấy. Mộ của ông Phúc Thiện: 

          “Trên có ruộng trồng lốc

          Dưới có dọc cây chiêm

Hai bên như cái cù liềm úp lại”.  Ông Nguyễn Xuân Đoái cung cấp, bổ sung năm 2017, theo lời kể của cố Nguyễn Xuân Nênh (1905 – 1982).

Sáu tháng sau bà sinh con trai, đặt tên là Hưu. Đến 18 tuổi đi thi đỗ đầu, làm quan đến Thượng thư, được vua ban cho mộ địa 5 sào để con cháu đời đời gìn giữ.

(Từ đời thứ sáu trở về trước do quan Chủ bạ Trương Đức Bá biên).

Lê đường Lê biên

Đời thứ Bảy: Tổ thứ Bảy, hiệu Tu Hiền, đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhị danh triều Trần, tước Hàn lâm viện thị độc. Làm quan đến thượng thư bộ Binh kiêm Trưởng sử quan, tu Đại việt sử ký, tước Nhâm uyên.

Ghi nhỏ: Huý là Hưu, sinh năm Canh Dần (1230) mặt mày đầy đặn, tư chất nhanh sáng. Lên 9 tuổi học ông thầy họ Nguyễn người xã Phúc Triền, học ngày càng tiến, được thầy yêu khen. Mười một tuổi qua chợ thấy người thợ rèn bán dùi, ý muốn lấy dùng. Người thợ rèn ra cầu thách đối:

“Than trong lò, sắt trong lò, lửa trong lò, thổi phì phò đúc nên dùi vở.

Cậu bé đối ngay:

Nghiên ở túi, bút ở túi, giấy ở túi, viết lúi húi mà đậu khôi nguyên”.

Người thợ khen lạ, bèn thưởng cái dùi và 3 tiền nữa. Trong khi đi học bà con thường nom thấy có 4 đám mây che trên đầu không bị mưa nắng. Đến 16 tuổi lên trấn thi Khảo, có soạn 1 câu vào lá đơn khiếu của dân xã An Lạc, khi về chỉ còn thấy có 3 đám mây che trên đầu, bèn đem việc ấy nói với nhạc phụ. Ông (nhạc) bèn lên trấn tĩnh với thượng quan xin phân giải việc song lại thấy được 4 đám mây che trên đầu. Khi ấy thầy học rất yêu bèn gả con gái lớn cho[4].

Năm 18 tuổi, đi thi đỗ đại khoa. Năm 24 tuổi được thụ chức Hàn lâm viện thi độc, làm việc mãi đến năm 45 tuổi được thụ chức Binh bộ Thượng thư. Năm 50 tuổi được giữ chức Chưởng sử quan tu sử ký từ Triệu Vũ đến Lý Chiêu Hoàng.

Đến đời Thánh tổ năm Nhâm Thân (1272) thì soạn xong bộ sử dâng lên, nhà vua xuống chiếu ban khen. Sinh hạ con trai là Lê Văn Chung. Thời vua Nhân Tông có dự thi đại học[5] được trúng tuyển.

Ông hưởng thọ 93 tuổi, mất ngày 23 tháng 3 năm Nhâm Tuất (1322) Mộ táng xứ Mả Giòm, toạ quy hướng đinh, được ban 3 sào đất vườn làm Hội điền.

Đời thứ Tám: Tổ thứ 8 tên tự là Chung đỗ Thái học sinh sung chúc Tĩnh quan các.

Đời thứ Chín:  Tổ thứ 9 tên là Nhân, học thượng xá sinh, sung chức Ba thủ lệnh.

Đời thứ Mười đến mười Hai:  Chỉ ghi tên (xin lược dịch)

Đời thứ Mười Ba:  Tổ thứ 13 hiệu là An Nghiệp tiên sinh, khoa thi hương, đỗ sinh đồ (Tú tài).

Đời thứ Mười Bốn: Huý là Chất hiệu là Tâm trai đỗ hương cống (cử nhân).

Đời thứ Mười Lăm: Tổ thứ 15 huý là Ích đỗ hương cống làm quan đến tước Tán tị công thần đặc tiến kim tử Vinh Lộc đại phu, Đô chỉ huy sứ, Trí dũng hầu, Thuỵ là Phúc Trí, hiệu Tín Trai.

Ông còn tên huý là Hàm, tên tự là Trực, hiệu là Nghiêm Trai, đỗ Hương Cống, tri phủ Thượng Phúc.

Đời thứ Mười Sáu: Tổ thứ 16 huý là Dũng, tự là Pháp Như, có vợ nhưng làm sư tăng ở chùa Hương Nghiêm trong làng.

Đời thứ Mười Bảy: Tổ thứ 17 tên huý là Văn Nghi tự là Tính Trạm, làm sư tăng ở chùa Hương Nghiêm đem của nhà ra tu sửa chùa có tạc bia đá, trụ đá vào năm bính Ngọ (1726).

Đời thứ Mười Tám: Tổ thứ 18, huý là Văn Nghĩa thụ chức Tri Châu (?)

Đời thứ Mười Chín: Tổ thứ 19 huý là Đức,  tự là Phúc Quy, tước Bách hộ thời Lê

Đời thứ Hai Mươi: Tên huý là Yên Nghiệp.

Đời thứ Hai Mươi Mốt: Tên là Lê Văn Dương mới chết năm 1950. Ông Dương không có con trai, chỉ sinh được gái là bà Lê Thị Hoa, người giữ được cuốn gia phả này. Bà Hoa đã chết gần đây.

Ngành đích họ Lê đã dứt. Dòng họ Lê này còn được ông Lê Văn Vĩnh mà bà Hoa gọi là chú, thúc bá với ông Dương, không phải dòng chính.

Ghi chép ở gia phả họ Lê ngày 30 – 1 – 1964

Biệt Lam Trần Huy Bá dịch

Đoàn cán bộ Viện Sử học Việt Nam sao chép

Để lại ngày 5 – 7 – 1981 (ông Đỗ Đức Vĩnh lưu giữ)

 



[1] Húy là Vũ có thể nhầm với tên Hiệu. Vì húy là Lương, Lê Lương, NXV

[2] Bia chùa Hương Nghiêm ghi là cháu của Bộc Xạ Lê Lương. NXV

[3] “Thiền Quang Trưởng Lão” Gần trùng tên với Đạo Quang Trưởng Lão đời 2 (theo Gia phả), đời 3 (theo bia chùa Hương Nghiêm). Phân ghi nhỏ “Thiền Quan Trưởng Lão”, không rõ tên nào là đúng, có thể do lỗi đánh máy, do vậy tác giả tôn trọng ghi trong cuốn Kẻ Rị - Kẻ Chè, 1988.

[4] Câu văn chữ Hán có phần “lộn xộn” đã gọi là “nhạc phụ” sau đó xong việc mới gả con gái cho Lê Văn Hưu đem chuyện “ mất đám mây che ” nói với thầy học , sau khi việc phân giải thấy yêu nên gả con gái cho ; việc gọi Nhạc phụ như câu chữ Hán tuy sớm  song cũng đúng – Lê Huy Trâm.

 

[5] Giữ nguyên từ “Đại học” trong cuốn Kẻ Rị - Kẻ Chè, 1988, chưa rõ thi hội hay thi đình?




Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn