Thấy gì qua việc đặt tên đường, tượng đài ở Thanh Hóa

Việc lấy tên danh nhân đặt cho tên đường, trường là một trong những việc tri ân các bậc tiền nhân có công với đất nước. Không chỉ ở Thanh Hóa, mà các tỉnh, các nước trên thế giới đều làm vậy.

Tuy nhiên, việc đặt tên đường, trường, tên tượng đài ở Thanh Hóa có khác so với các nơi.

Hà Nội và một số tỉnh đặt tên đường Lê Đại Hành, Lê Thái Tổ, tức lấy tên hiệu (sau khi lên ngôi vua) của Lê Hoàn và Lê Lợi để đặt tên đường, có nghĩa ghi công đức của ông vua, chứ không phải là ghi tên thông thường (tên tục), việc đặt này cũng là muốn vinh danh vị trí cao nhất của người có công với đất nước, để tạo ra sự khác biệt so vơi một số danh nhân khác, chưa phải là vua, VD: Nguyễn Trãi, Nguyễn Mộng Tuân, Lê Văn Hưu, Lê Quát…. Hơn nữa, theo quan điểm của người xưa, gọi tên tục thường là phạm húy.

                             Nguồn ảnh: Internet

Tuy nhiên, Thanh Hóa lại lấy tên tục của các vị vua đặt cho tên đường VD: Đường Lê Hoàn, đường Lê Lợi, trường Lê Lợi.

Về Tượng: Hà Nội có tượng đài Lê Thái Tổ, thì Thanh Hóa lại đặt tên tượng là Lê Lợi. Hà Nội có tượng Lý Thái Tổ, chứ họ không đặt tên là tượng đài Lý Công Uẩn (tên tục, trước khi lên ngôi)…

Xin bàn thêm về tên tượng đài Lê Lợi ở Thanh Hóa. Trên tượng có ghi: LÊ LỢI, ANH HÙNG DÂN TỘC, cách ghi “Anh Hùng Dân tộc” chưa đúng tầm vóc của Lê Lợi, vì việc đặt này, xếp Lê Lợi ngang hàng với rất nhiều anh hùng dân tộc khác, như Nguyễn Trãi, Quang Trung…Vì xét về công trạng, yếu tố lịch sử thì Lê Lợi không chỉ là “Anh Hùng Dân Tộc” như những Anh Hùng Dân Tộc  khác, mà còn là “Anh Hùng Giải Phóng Dân Tộc”, thiên hạ mấy ai sánh được cùng ông? Vì ông đã dẫn dắt trăm họ đã giải phóng dân tộc, bị cai trị hoàn toàn bởi ngoại bang. Nhìn lại, hơn 1000 năm qua, sau Dương Đình Nghệ và Ngô Quyền, thì Lê Lợi là người duy nhất lấy lại chính quyền từ ngoại bang.

Chưa bàn tới chuyện đúng, sai. Nhưng rõ ràng, khi dùng tên hiệu của các vị vua đặt cho tên đường, tên trường, tượng đài có vẻ “văn học” hơn khi dùng tên tục/tên húy, tránh được sự kiêng kỵ của người xưa. Có thể sự khác nhau trên là do nhận thức, góc nhìn của lãnh đạo ở mỗi địa phương, và cũng có thể do ảnh hưởng yếu tố đặc điểm tính cách vùng miền chăng? Người Bắc thường nói năng lọt tai “Người ơi, người ở đừng về, í a ì a…”, thì người Thanh Hóa, bộc trực, “thô”: “Ai về là về Thanh Hóa, do ta dô huầy”.

                                                                               Xuân Văn

 

 

 

 


Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn