Dũng khí của Lê Văn Hưu khi chép sử

 Lê Văn Hưu sinh ra trong dòng họ danh gia vọng tộc có truyền thống phụng thờ Đạo Phật thì ông tôn thờ Đạo Nho; là bề tôi của Nhà Trần trọng Đạo Phật, nhưng ông không ngần ngại chỉ ra sự ngộ đạo của các bậc quân vương. Ông viết sử trên tinh thần Đạo Nho, bản thân ông là nam nhi, nhưng ông không tiếc lời khen nữ bậc nữ nhi, không ngần ngại phê phán sự hèn yếu của nam nhi chỉ biết cuối đầu lạy quân phương Bắc, đó là dũng khí của người chép sử vậy!

                      Tượng và khám thờ Lê Văn Hưu

          Lê Văn Hưu (1230 – 1322) là hậu duệ đời thứ 8 của cự tộc, Trấn Bộc xạ tướng công Lê Lương. Lê Lương phụng thờ Đạo Phật, ông cho xây ba chùa: Hương Nghiêm (Bối Lý – Kẻ Rị, Thiệu Trung ngày nay), Trinh Nghiêm (Đông Thanh – Đông Sơn), Thiệu Châu (Thiệu Hóa), chắt của Lê Lương là Lê Chính (tức Đạo Dung) được vua Lý giao lập Đạo Tràng. Theo Gia Lê Chính Phả 6 đời tổ tiên Lê Văn Hưu theo đạo Đạo Phật là thiền sư. Bố Lê Văn Hưu mất sớm, không rõ có tu không. Đến Lê Văn Hưu ông mộ Đạo Nho, ông đỗ bảng nhãn Khoa thi năm Đinh Mùi (1247).

Ông được giữ chức Kiểm pháp quan[1], rồi Binh bộ Thượng thư (năm 1274), sau đó được phong chức Hàn lâm học sĩ, kiêm Giám tu quốc sử, tước Uyên nhân hầu. Theo An Nam Chí lược của Lê Tắc: “Ông vừa có tài, vừa có hạnh, làm thầy Chiêu Minh Vương (Trần Quang Khải), đổi làm Kiếm Pháp quan, sửa sách Việt chí”. Ông được nhân dân các làng của xã Đình Dù, Văn Lâm, Hưng Yên thờ là Thành hoàng làng, bài vị tại Đền Ôn xá  ghi: Lê Đại vương, húy Văn Hưu chí đức tôn thần” (Theo bản dịch của Hà Văn Bôn).

          Mặc dù tiên tổ của Lê Văn Hưu có truyền thống tôn sùng đạo Phật và có công đáng kể trong việc truyền bá giáo lý đạo Phật, nhưng Lê Văn Hưu lại chọn Nho Giáo để tiến thân, ông đề cao Nho Giáo là cơ sở cho hoạt động chính trị của triều đình, ông đứng trên quan điểm của Nho gia để chép sử mặc dù đời Trần Phật Giáo đang thịnh và được xem là Quốc Giáo, ông phê phán vua tôi nhà Lý xa sỉ trong việc xây dựng chùa chiền, lười biếng, mặc bỏ sản nghiệp.

               Lê Văn Hưu nói: “Lý Thái Tổ lên ngôi mới được 2 năm, tông miếu chưa dựng, đàn xã tắc chưa lập mà trước đã dựng tám chùa ở phủ Thiên Đức, lại trùng tu chùa quán ở các lộ và độ cho làm tăng hơn nghìn người ở Kinh sư, thế thì tiêu phí của cải sức lực vào việc thổ mộc không biết chừng nào mà kể. Của không phải là trời mưa xuống, sức không phải là thần làm thay, há chẳng phải là vét màu mỡ của dân ư? Vét máu mỡ của dân có thể gọi là làm việc phúc chăng? Bậc vua sáng nghiệp, tự mình cần kiệm, còn lo cho con cháu xa xỉ lười biếng, thế mà Thái Tổ để phép lại như thế, chả trách đời sau xây tháp cao ngất trời, dựng cột chùa đá, điện thờ Phật, lộng lẫy hơn cung vua. Rồi người dưới bắt chước, có kẻ hủy thân thể, đổi lối mặc, bỏ sản nghiệp, trốn thân thích, dân chúng quá nửa làm sư sãi, trong nước chỗ nào cũng chùa chiền, nguồn gốc há chẳng phải từ đấy?”. Theo ĐVSKTT.

               Không chỉ phê phán sự xa sỉ trong việc dựng chùa chiền, ông còn phê phán sự mù quáng, mê tín của vua Lý Thần Tông đã không khen ngợi tài trí của Lý Công Bình, mà lại đi tạ lễ ơn Phật và Đạo đã giúp ngầm cho Công Bình đánh được người Chân Lập.

          Lê Văn Hưu nói: “Phàm việc trù tính ở trong màn trướng, quyết định được chiến thắng ở ngoài nghìn dặm, đều là công của người tướng giỏi cầm quân làm nên thắng lợi. Thái phó Lý Công Bình phá được quân Chân Lạp cướp châu Nghệ An, sai người báo tin thắng trận. Thần Tông đáng lẽ phải cáo thắng trận ở Thái Miếu, xét công ở triều đường để thưởng cho bọn Công Bình về công đánh giặc. Nay lại quy công cho Phật và Đạo, đi các chùa quán để lạy tạ, như thế không phải là cách để ủy lạo kẻ có công, cổ lệ chí khí của quân sĩ”. Theo ĐVSKTT.


          Khu mộ Lê Văn Hưu tại Mả Giòm - Thiệu Trung - Thiệu Hóa

          Nhà Trần xem Đạo Phật là Quốc Giáo. “Chỗ nào có người ở, tất có chùa Phật, bỏ rồi lại xây, hỏng rồi lại sửa, chuông trống lâu đài chiếm đến nửa phần so với với dân cư..” Trích bia chùa Thiệu Phúc, Bắc Giang, do Lê Quát (Người Kẻ Rị) soạn. Trong khi các bậc quân vương, thần dân mộ Đạo Phật, ông lại chỉ trích sự “Ngộ đạo” của các bậc Quân Vương đời Lý (Ông viết sử từ Triều Đà đến Lý Chiêu Hoàng) để nhằm léo léo nhắc nhỡ các bậc quân vương Nhà Trần. Nhưng 30 bộ Đại Việt Sử Ký do ông viết được vua Trần Thánh Tông xuống chiếu ban khen.

          Lời bàn: Đời nay mấy ai dám phê phán các đời lãnh đạo trước, hoặc lãnh đạo các nước khác trong sự “Ngộ nhận”  của Chủ Nghĩa Mác Lê và những sai lầm khi áp dụng nó? Có lãnh đạo nào đời nay khen những người chỉ ra sự ngộ nhận sai lầm đó không?

          Lê Văn Hưu viết sử trên tinh thần của Nho Giáo, dân tộc, ông không tiếc lời khen bậc nữ nhi dựng nghiệp bá vương, nhưng ông cũng không ngần ngại phê phán bậc nam nhi chỉ cúi đầu, bó tay, làm tôi tớ cho người phương Bắc.

          Lê Văn Hưu nói: “Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các
quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, cùng 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay, có thể thấy hình thế đất Việt ta đủ dựng được nghiệp bá vương. Tiếc rằng nối sau họ Triệu cho đến trước họ Ngô, trong khoảng hơn nghìn năm, bọn đàn ông chỉ cúi đầu bó tay, làm tôi tớ cho người phương Bắc, há chẳng xấu hổ với hai chị em họ Trưng là đàn bà hay sao? Ôi ! Có thể gọi là tự vứt bỏ mình vậy”. Theo ĐVSKTT.

          Hoặc ông chỉ rõ sự tham tàn của người phương Bắc, khát vọng nước Việt có bậc thánh nhân để khỏi bị phương Bắc bóc lột.

          Lê Văn Hưu nói: “Xem sử đến thời nước Việt ta không có vua, bị bọn thứ sử
người Bắc tham tàn làm khổ. Bắc Kinh đường xa, không biết kêu vào đâu, bất giác xen lẫn cảm thương hổ thẹn, muốn tỏ lòng thành như Minh Tông nhà Hậu Đường, thường thắp hương khấn trời: xin trời vì nước Việt ta sớm sinh thánh nhân, tự làm đế nước nhà, để khỏi bị người phương Bắc cướp vét”. Theo ĐVSKTT.

Thời đó ông đã chỉ đích danh tên kẻ thù (Sự việc cụ thể ông chỉ rõ tên nước, ngoài ra khi bình luận vấn đề chung, ông gọi là giặc phương Bắc. Không rõ thời đó, có ai biết phương Bắc còn có một số nước khác không, hay chỉ biết có Trung Quốc, và Mông Cổ?). Sau hơn 700 năm, nay ta dùng cụm từ “Nước Lạ” thì đúng là lạ thật!

Mặc dù Lê Văn Hưu tôn thờ Đạo Nho, ít nhiều bị ảnh hưởng của Đạo Phật, là bề tôi của Nhà Trần, nhưng khi chép sử ông chép trên tinh thần dân tộc, hầu như không bị các yếu tố trên chi phối, đó là cái “Chất” của người đặt nền móng cho Quốc Sử Việt Nam vậy!

Viết sử là nghề nguy hiểm, nguy hiểm hơn là viết sai sự thật theo kiểu “Ta thắng địch thua” mang màu sắc chính trị.

Xin chép (Theo Trithucvn.org) Khí phách của người viết sử xưa để minh chứng cho điều trên

{“Tề thái sử giản” là nhắc đến việc của sử quan nước Tề. Vào thời Chiến quốc, Tề Trang Công bị quan đại phu là Thôi Trữ giết chết. Thôi Trữ lệnh cho Thái sử là Thôi Bá chép lại rằng Tề Trang Công bị bệnh mà chết. Nhưng Thôi Bá vẫn chép: “Thôi Trữ giết Vua”. Thôi Trữ liền giết chết Thôi Bá.

Thôi Bá có ba em trai là Trọng, Thúc, Quý. Trọng chép: “Thôi Trữ giết Vua”, Thôi Trữ liền giết Trọng. Thúc chép đúng câu ấy và lại bị giết.

Khi Thôi Quý chép: “Thôi Trữ giết Vua”, Thôi Trữ liền nói với Quý: “Ba người anh của nhà ngươi đều vì câu này mà bị giết chết, lẽ nào ngươi không tiếc mạng sống sao? Ngươi viết câu này theo đúng ý ta, ta sẽ tha chết cho ngươi.”

Quý ung dung đáp rằng: “Viết đúng sự thật là chức trách của quan chép sử. Dù cho hôm nay thần không viết ra câu này, thì trong thiên hạ nhất định sẽ có người viết lại sự thật này. Do đó thần thà chết vẫn phải viết như vậy, kính mong bệ hạ suy nghĩ kỹ.”

Thôi Trữ đành chịu mà không giết nữa}.

Xuân Văn



[1] Chức quan tư pháp giữ hình luật

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn