Trấn Bộc xạ tướng công Lê Lương – Công đức để đời - Hậu thế lãng quên?

Lê Lương là một cự tộc, “Phú gia địch quốc” ở quận Cửu Chân, Châu Ái. Ông làm đến chức Trấn quốc bộc xạ. Nhà ông giàu, rất có thế lực trong xứ. Thóc ông trữ đến 110 lẫm. Trong nhà ông nuôi 3.000 người khách. Ông dốc một lòng thiện, rất sùng đạo Phật. Ông là người trước nhất dựng chùa ở giáp Bối Lý. Các bia chùa Hương Nghiêm, Trinh Nghiêm, Minh Nghiêm[1] đều có khắc chép công ông (bia chùa Hương Nghiêm – HN – Kẻ Rị - Thiệu Trung).

   Chùa Hương Nghiêm - Kẻ Rị - Thiệu Trung - Thiêu Hóa do Lê Lương xây đầu TK X

Bấy giờ, dân ở châu quận này bị mất mùa đói khó. Ông đem thóc nhà phát chẩn để cứu dân. 

Khi vua Ðinh Tiên Hoàng lên ngôi (968-979), nghe tiếng ông có đạo đức, vua phong cho ông chức Ái Châu Cửu Chân đô quốc dịch sứ, tức là chức quan đứng đầu giúp nước ở Ái Châu, quận Cửu Chân. Vua lại ban cho ông hàm Kim tử quang lộc đại phu, và phong ấp ở trong giới hạn sau này: Đông đến Phân Dịch, Nam đến Vũ Long, Tây đến đỉnh núi Ma La, Bắc đến Kim Cốc[2], và cho đời đời con cháu làm quan coi đất ấy (HN). Sách Thiền uyển tâp anh (TUTA) cũng có chép rằng ông làm Châu Mục Ái Châu đời Ðường và suốt mười lăm đời, họ ông nổi tiếng ở đó. 

Lê Lương hưởng thọ 73 tuổi, mộ táng ở xứ Mả Trong (có lẽ là Mả Choòng) về phía Bắc toạ tỵ hướng hợi. (Lê Gia chính phả).

Qua văn bia chùa Hương Nghiêm và Thiền Uyển Tập Anh thì thấy. Lê Lương được Đinh Tiên Hoàng trọng dụng, nhưng khi Đinh Tiên Hoàng mất[3].  Vua nhỏ Đinh Toàn đề phòng hậu hoa, cần phải hạn chế quyền lực của họ Lê Bối Lý. Vua Lê Đại Hành lên ngôi Hoàng đế, sau khi “phá tống bình Chiêm” đại thắng, củng cố xây dựng đất nước, sai hoàng tử thứ bảy là Lê Tung làm Định Phiên vương cai quản châu Ái, đóng trị sở thành Tư Doanh (Tư Phố - Kẻ Giàng - Thiệu Dương)” (Theo Hoàng Tuấn Phổ - Tinh Hoa Văn hóa Xứ Thanh).

Con cháu của Lê Lương có đổi họ thành họ Lưu, Thiều, Tô?

Xin lược trích nội dung bia chùa Hương Nghiêm và Mộ chí (Lưu Xá) để biết rõ quan hệ giữa Lưu Công, và hai phò ký lang họ Thiều và họ Tô có liên quan gì với Lê Lương?

Thiền sư (Đạo Dung) có một tùng huynh là Lưu Khánh Ðàm, cũng là người Ngũ huyện giang, ở Cửu Chân, thôn Yên Lãng (Mộ chí). Nay ở phủ Thọ Xuân và phủ Thiệu Hóa có hai làng Yên Lãng gần nhau ở hai bờ sông Lương. Có lẽ quê ông là vùng ấy. Ông nội Lưu Khánh Ðàm có năm con trai. Trong đó có Huy Triết, dời nhà tới ngụ cư ở khách quán, có lẽ tới ở làng Lưu Xá huyện Hưng Nhân, tỉnh Thái Bình bây giờ”. (Bia HN và Mộ Chí Lưu Xá – GS. Hoàng Xuân Hãn chép tại Lý Thường Kiệt, lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý). 

"Năm sau, Ðinh Tỵ (1077), sư (Đạo Dung) trở về ấp cũ, thấy chùa Hương Nghiêm đã đồi hoại. Sư bèn nói với Lưu Khánh Ðàm rằng: "Kẻ nhân hiền không quên dấu tích tiên tổ. Xin anh chữa lại cho." Lưu công nghe nói, vui lòng mà thuận." (HN). 

"Lưu Công bèn nói với tướng quốc thái úy Lý Thường Kiệt rằng: "Chùa Hương Nghiêm là do tiên tổ tôi sửa chữa. Nay đã đổ nát. Ông cùng tôi, chúng ta hãy chữa lại." (HN)

Năm Tân Dậu 1081, hai phò ký lang, họ Thiều và họ Tô, tâu vua xin ruộng đất của bộc xạ Lê Lương. Vua xét lời tâu, bèn định trả giáp Bối Lý cho họ hàng Lê Công (HN)

Mùa thu năm ấy, Lý Thường Kiệt đi Thanh Hóa trả ruộng. Ông lập bia đá chia ruộng cho hai giáp. Từ nửa đầm A Lôi trở lên, cho giáp Bối Lý; từ nửa đầm trở xuống, cho giáp Viên Đàm. Ông lại dặn đi dặn lại hai giáp không được hái một lá lau lách ở hai bên bờ đầm, vì đó là giới hạn. (HN). 

Nội dung trên cho chúng ta thấy Lưu Công là anh họ của Đạo Dung (chắt của Lê Lương) và coi Lê Lương là tổ tiên. Hai phò ký lang họ Thiều và họ Tô “tâu vua xin ruộng của bộc xạ Lê Lương, Vua xét lời tâu, bèn định trả giáp Bối Lý cho họ hàng Lê Công). Có nghĩa Lê Công (Lê Lương) và hai phò ký lang là có quan hệ máu mủ.

Nếu Lê Lương là tổ tiên bên ngoại của hai phò ký lang họ Thiều và họ Tô (tức con gái, cháu gái, chắt gái của Lê Lương lấy chồng đẻ ra họ) thì rất khó đòi được tài sản của tổ tiên (vì trước đây con gái xuất giá tòng phu, con trai mới được thừa kế tài sản của tổ tiên[4]).

Do vậy, có thể hậu duệ của Lê Lương có nhánh nào đó đổi từ họ Lê sang họ Lưu, họ Thiều, họ Tô?

* Trường hợp Lưu Công (Lưu Khánh Đàm):

Theo Mộ chí Thái phó họ Lưu[5]: “Tổ khảo theo họ mẹ, sinh hạ được 5 người con trai, trong đó có Huy Triệu công lập họ ở quê người”.

Tổ khảo (ông nội[6]) theo họ mẹ, do vậy, kết hợp với nội dung trên (Lê Lương là ông tổ của Lưu Khánh Đàm[7]) thì có thể kết luật: Lưu Công chính là dòng của Lê Lương, do Tổ khảo đổi tên theo họ mẹ (họ Lưu).

* Trường hợp hai Phò ký lang họ Thiều và họ Tô

Đều có quan hệ họ hành với Đạo Dung (tức Lê Chính, con chắt của Lê Lương), và có tổ tiên là Lê Lương. Có thể do biến cố[8] nào đó mà ông cha họ đổi họ thành họ Thiều và họ Tô. Điều này cần nghiên cứu thêm.

Ở làng Phủ Lý Trung (Kẻ Rị) xã Thiệu Trung (Bối Lý xưa – quê hương Lê Lương) có Ngõ Thiều, Giếng Thiều và còn truyền miệng về làng Thiều. Ngày xưa nơi đây có họ Thiều sống.

Ở xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn, (cùng dải đất với Kẻ Rị trước đây) hiện nay đang còn họ Thiều, có Thiều Sỹ Lâm đỗ thám hoa, khoa thi năm 1670.

 

Hậu duệ của Lê Lương có nhiều đóng góp cho đạo Phật như: Đạo Quang Trưởng Lão, Đạo Dung -  Trưởng đạo tràng đời Lý, và phần lớn các sư trụ trì ở chùa Hương Nghiêm là người họ Lê. Lê Văn Hưu, Binh bộ Thượng thư, người đặt nền móng cho quốc sử Việt Nam là hậu duệ đời thứ 7 của Lê Lương. Dòng họ Lê Văn ở Quảng Thọ - Sầm Sơn là hậu duệ của Đạo Quang Trưởng Lão (cháu của Lê Lương) vẫn phát huy được truyền thống tổ tiên như đương kiêm Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Lê Lương công đức để đời: Về đạo: Ông là người tôn sùng Đạo phật, cho xây chùa Hương Nghiêm, Minh Nhiêm, Trinh nghiêm từ đầu thế kỷ X. Về đức: Ông đem thóc nhà phát chẩn để cứu dân, ở châu quận khi bị mất mùa đói khó. Đóng góp với quốc gia: Ông được giao phụ trách quân lương thời Đình, được phong hàm Kim tử quang lộc đại phu, trấn Bộc xạ tướng công. Nhưng đến nay vẫn chưa có công trình nào mang tên ông? Thiếu sót này thuộc về quê hương ông? Hậu duệ của ông hay Hội đồng họ Lê đã vô tình quên ông? Tên ông đáng được đặt cho tên đường, trường… hay Câu lạc bộ Doanh nhân nào đó để mang sứ mệnh làm kinh tế để lo cho dân, phục vụ tổ quốc.

Nguyễn Xuân Văn



[1] Chùa Hương Nghiêm (Kẻ Rị), Minh Nghiêm (Kẻ Bôn), Trinh Nghiêm (Kẻ Go) – Theo Địa chí Huyện Thiệu Hóa, 2010. Hiện nay chỉ còn chùa Hương Nghiêm.

 

[2] Các tên đất này, nay không còn. Nhưng ta cũng biết được một vài điều. Phân-dịch có lẽ là phần đất huyện Quảng-xương, ở bờ nam sông Mã. Bia Báo ân cũng nói tới đất ấy (XV/1) - Tên núi Ma-la, về cuối đời Trần vẫn còn. Sách Lam-sơn thật-lục chép rằng Lê Lợi trốn quân Minh ở đó, gặp xác một người đàn bà mặc áo trắng. 

[3] Theo nhà Nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ, Lê Lương mất trước Lê Hoàn mấy năm

[4] Riêng có Bộ Luật Hồng Đức của Lê Thánh Tông có quy định con trai và con gái được quyền thừa kế tài sản của cha mẹ. Bộ Luật Gia Long không công nhận quyền thừa kế của con gái

[5] Nguồn: T/g: Đặng Thanh Binh, Nghiencuulichsu.com

[6] Nội dung trên (bia HN) ghi ông nội

[7] Lưu Khánh Đàm (1093-1161) nguyên quán ở xã Yên Lãng, giang Ngũ Huyện, quận Cửu Chân, nay thuộc huyện Thiệu Yên Thanh Hóa, sau dời đến xã Lưu Xá, phủ Long Hưng, nay thuộc huyện Hưng Hà, Thái Bình. Cha ông là Huy Triết Công, vào thời Lý Thái Tông, được chọn vào chốn Nội đình, trải thờ 3 triều vua Thái Tông, Thánh Tông và Nhân Tông, làm quan đến chức Kiểm hiệu Thái phó, kiêm cung dịch sứ, Đại tướng quân, tước Khai Quốc công... Lưu Khánh Đàm là người tài giỏi, siêng năng, trung thành, thận trọng coi việc quân lữ có nhièu chiến công. Cuối đời vua Nhân Tông (năm 1127) với chức Thái úy, vâng mệnh nhận di chiếu phò tá Thần Tông lên ngôi Hoàng đế. Ông trải thờ 3 đời vua (Nhân Tông, Thần Tông và Anh Tông) làm quan với các chức tước; Quang lộc đại phu, Suy thành Tá lý công thần, Nhập nội thị sảnh Đô đô tri, Tiết độ sứ. Đồng Tam ty bình chương sự, Thượng trụ quốc, Khai quốc công. Ông mất vào tháng 12 năm 1161, hưởng thọ 69 tuổi.

[8] Chắc phải có biến cố, nếu không, không thể từ một người được xem là Phú gia địch quốc (Lê Lương) đến đời cháu (Đạo Quang) lại nghèo khó, để chùa đổ, ngói rơi, vua Lý Thái Tông phải ban cho 5 tên giúp việc để trông chùa khi vua thấy cảnh hoang tàn của chùa

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn