Hương Nghiêm, ngôi chùa có lịch sử lâu đời nhất Xứ Thanh

 Đầu thế kỷ X, hào trưởng Lê Lương xây 3 chùa: Hương Nghiêm (Bối Lý – nay là Kẻ Rị - Thiệu Trung – Thiệu Hóa), Minh Nghiêm (Kẻ Bôn – Đông Thanh – Đông Sơn) và Trinh Nghiêm (Kẻ Go – Thiệu Châu – Thiệu Hóa). Đến nay các chùa Minh Nghiêm và Trinh Nghiêm không còn. Chỉ còn lại chùa Hương Nghiêm, chùa Hương Nghiêm được coi là chùa có lịch sử lâu đời nhất ở Xứ Thanh còn được đến ngày nay. Hơn 1.000 năm qua, chùa Hương Nghiêm đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử.

Cổng chùa được xây dựng lại năm 2005

Năm 1003, vua Lê Đại Hành tuần du ở Ngũ Huyện Giang, Vua thấy Chùa đổ nát, bèn cấp tiền chữa lại (Bia chùa Hương Nghiêm - HN).

Năm 1031, vua Lý Thái Tông đi đánh Hoan Châu về tới Ái Châu, thấy Chùa xuống cấp, phát tiền thuê thợ sửa lại. Vua ban cho cháu ông Bộc xạ, là Đạo Quang trưởng lão làm thiền chủ và ban cho 5 người giúp việc (HN).

Năm Ðinh Mão (1087), thiền sư Ðạo Dung nói với anh họ là Lưu Công có lời với thái úy Lý Thường Kiệt tu bổ. Lý Thường Kiệt nhận lời, cho tìm gỗ lạt chuyển về đẽo gọt để trùng tu chùa.

Năm Nhâm Dần (1122), thiền sư Đạo Dung trở về thăm quê cũ. Nhân vật tuy đổi, non nước như xưa. Chùa đã đổ nát, nền móng vẫn còn. Sư đề nghị thái úy Lý Công (Lý Thường Kiệt) cấp gỗ lạt sửa chữa lại. Tô tượng Phật ngồi trên bàn đá, đào hồ. Giữa hồ, xây bệ, đặt tượng Phật. Chùa cao, cửa rộng, mái ngói. Tả có lầu chuông, Hữu dựng bia đá năm 1124 (HN).

Từ năm 1705 – 1718, Sư Trụ trì là Lê Văn Nghi (hậu duệ đời thứ 17 kể từ Lê Lương, và đời thứ 10 từ đời Lê Văn Hưu), tiếp tục công việc của đời trước, xây tòa hậu điện, tô tượng, đúc chuông lớn, khắc lại bia cũ lâu năm nét chữ mòn...(HN)

                                            Cột đá được làm từ thế kỷ XVIII

Vào những năm nữa đầu Thế kỷ XX  “Thống Năng lại khuyến khích “phục cổ” như “Chấn hưng Phật giáo”, tu bổ cảnh chùa Hương Nghiêm” (Kẻ Rị, Kẻ Chè, 1988)

* Sư thầy Thích Thanh Trí, pháp hiệu trí tuệ thiền sư (Thiền sư họ Đào) Không rõ thầy quê ở đâu, theo các cụ cao tuổi nhớ lại, thiền sư nói giọng miền ngoài: Nam Định, Thái Bình…. sau Cách mạng tháng 8, 1945, và chính sách chống mê tín dị đoan, nên cảnh chùa vắng vẻ.  Một số gian chùa được dùng làm kho của Hợp tác xã nông nghiệp, cảnh chùa vắng vẻ con nhang, khách thập phương (Bia chùa bị nấu vôi - May thay, GS. Hoàng Xuân Hãn đã dịch bia và in sách vào năm 1949). Sư thầy viên tịch ngày 11/6 năm Mậu Thân (1968), được chôn tại nghĩa trang Mả Ngòn. Năm 2001, gia đình ông bà Lê Văn Mùi (làng Diên Hào), đã chi trả kinh phí đưa cụ về vị trí tại chùa hiện nay, cùng với các bản hội Bà Khiếu (Thiệu Vận), bà Xuân (Thiệu Đô), bà Cúc (làng Bắc) xây tháp bằng gạch, ốp gạch men.

Từ sau Cách mạng Văn hóa, chùa ít được quan tâm nên xuống cấp nghiêm trọng, tường đổ, ngói rơi. Năm 1995, gia đình ông Trần Đình Trực (Diên Hào) đã công đức các pho tượng vào chùa, sau một thời gian dài cảnh chùa lạnh lẽo ít người qua; thì việc công đức này có thể coi là đã góp phần đáng kể cho sự khởi đầu giai đoạn mới (thức tỉnh và khôi phục).

Năm 2005, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh, bổ nhiệm Đại đức Thích Tâm Hướng[1] về trụ trì Chùa. Từ đó, Thầy kêu gọi phát tâm công đức tu bổ, khôi phục chùa; nên nét xưa dần được phục dựng, cảnh chùa ngày càng đông vui. Năm 2009, nhà Tam Bảo bị sập. Thầy kêu gọi phát tâm công đức, được chính quyền, phật tử xa gần, nhân dân bản xã hào ứng ủng hộ.

Nhà chùa làm lễ động thổ xây nhà Tam Bảo (Đại Hùng Bảo điện) ngày 11/6 âm, kế hoạch khởi công ngày 16/6 Tân Mão (2011); nhưng duyên phận cõi trần của Thầy đã mãn, Thầy đã về cõi Niết bàn vào khoảng 3 giờ sáng[2] ngày 16/6 năm Tân Mão, tức ngày 16/7/2011 để lại bao việc dở dang ở cõi trần gian.

Nguyện theo chí Thầy, học trò là Đại đức Thích Nguyên Thành, kế Trụ trì Chùa kêu gọi phát tâm công đức; được chính quyền các cấp, phật tử thập phương ủng hộ công sức để khôi phục Chùa: Đại hùng bảo điện[3] động thổ lần 2 ngày 02/8/2013 (âm lịch), khánh thành năm 2017 cùng với 5 gian chính điện[4]

                                                                          *

       *      *

 Đạo Phật, lặng lẽ mà uy nghiêm, âm thầm mà sâu sắc, không ngẫu nhiên tồn tại và ngày càng phát triển vượt qua khuôn khổ biên giới, dân tộc cách đây từ hàng ngàn năm qua, đã cảm hóa được bao thế hệ nhờ có triết lý sâu sắc. “Phật ở trong tâm; ai tu cũng có thể trở thành phật”, “Thứ nhất tu tại gia, thứ hai tại chợ, thứ 3 tại chùa”

Con người vốn tay không với tới trời, mắt không nhìn thấu dưới lòng đất, sống ở cõi hư vô, chốn mênh mông của trời đất; nhờ giáo lý “Trí tuệ, từ bi, và nhiệm mầu” của Đạo Phật đã dẫn đường chỉ lối cho nhiều người mê thức tỉnh, kẻ sĩ răn mình. Thế nên không biết bao nhiêu đời, không phân biệt sang hèn tới chùa để sám hối, cầu an. Vậy thì việc chùa đổ lại xây, tượng hư lại sửa, là sự ngẫu nhiên chăng?

                         Cảnh chùa: Xuân Tân Sửu

 Chùa Hương Nghiêm do Bộc xạ Tướng công Lê Lương xây từ Thế kỷ X, đã chứng kiến bao thăng trầm của người dân Kẻ Rị; cho tới nay chưa có nghiên cứu nào về sự liên hệ giữa chùa Hương Nghiêm và sự hình thành nhân cách, trí tuệ, thăng trầm của người Kẻ Rị,. Nhưng nhìn lại nghìn năm qua, nơi đây đã xuất hiện nhiều hiền tài, những ngôi sao sáng, có đóng góp đáng kể cho việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như hình thành văn hóa Việt. Có thể nói đây là vùng địa linh nhân kiệt, tiêu biểu trong chốn hương thôn xã tắc văn hiến một vùng.

 Than ôi! Sự diệu kỳ, nhiệm màu của Đạo Phật là vậy, nhưng vẫn chưa giáo hóa hết được những kẻ ngu muội, vô đạo; những người trên không sợ trời, dưới không sợ đất, giáo lý chưa thể khai sáng được những u mê, vì cái lợi trước mắt và tư duy ấu trĩ của những kẻ to gan “Phá bia để nấu vôi, dỡ chùa để nấu bánh…” vào thập kỷ 60 của Thế kỷ trước, phá đi di tích hàng ngàn năm tồn tại; phá đi những tự hào của người Kẻ Rị, Kẻ Chè.

 Theo Cố Đại đức Thích Tâm Hướng, Nguyên Trụ trì chùa Hương Nghiêm (2005 – 2011) “Chùa Hương Nghiêm hoàn toàn xứng đáng là một trong những di tích 1.000 Thăng Long – Hà Nội, nếu bia không bị phá”.

 Thương thay những người u muội! Chỉ vì suy nghĩ ấu trĩ, mà để tiếng chê muôn thuở; đời người sớm ra đi, tiếng chê thì ở lại, con cháu u buồn long đong biết đến lúc nào đây? Phải chăng đây là biểu hiện ra bên ngoài của quy luật “Nhân Quả” hay là những chuyện ngẫu nhiên trong cuộc sống đời thường? Nhưng giáo lý “Trí tuệ, tự bi, nhiệm màu” của Đạo Phật thì vẫn tiếp tục soi đường chỉ lối cho những người mà vốn “Tay không với tới trời, mắt không nhìn thấu dưới lòng đất”. Nên việc chùa đổ rồi lại xây, tượng hư rồi lại sửa là sự nhiệm màu của Đạo Phật chăng?

             Ảnh và bài:  Nguyễn Xuân Văn

 



[1] Đại đức thế danh là Lê Đình Lan, pháp húy Tâm Hướng, đạo hiệu Minh Tâm, sinh ngày 20/5/1977, quê xã Đông Khê, huyện Đông Sơn (thường trú Nông Trường Thống Nhất, Yên Định), thân phụ là Lê Đình Tất, thân mẫu là Lục Thị Gái, Đại đức là con thứ 3 trong gia đình 4 anh chị em.

-         Năm 1997, xuất gia tại chùa Thanh Hà cầu đạo với Đại lão hòa thượng Thích Thanh Tứ, trụ trì tổ đình Quán Sứ (Hà Nội).

-         Năm 1999, Đại đức thọ giới Sa Di tại giới đàn do Tỉnh hội PGTH tổ chức tại chùa Thanh Hà;

-         Năm 2001, thọ giới Tỷ khiêu tại Đại giới đàn Tỉnh hội PGTH tổ chức tại chùa Thanh Hà;

-         Năm 2002, tốt nghiệp Trung cấp Phật học tại trường Trung cấp Phật học tỉnh Nam Định; năm 2006 tốt nghiệp Cử nhân Phật học tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội;

-         Năm 2005, Ban Trị sự Tỉnh hội PGTH bổ nhiệm trụ trì chùa Hương Nghiệm; Chánh Đại diện Phật giáo huyện Thiệu Hóa;

-         Năm 2008 được bổ nhiệm kiêm nhiệm Chánh Đại diện Phật giáo huyện Triệu Sơn, năm 2009 được bổ nhiệm Trụ trì chùa Lễ Động (làng Đồng Minh, xã Thái Hòa, huyện Triệu Sơn);

-         Là Ủy viên BTS GHPGVN tỉnh Thanh Hóa, Ủy viên ban chấp hành Mặt trận Tổ quốc huyện Thiệu Hóa, Đảng viên Đảng Cộng sản.

[2] Canh 1 thầy còn thức, sáng mai, phật tử phát hiện thầy đã viên tịch.

[3] Anh Lê Văn Hậu và gia đình (con thứ 2 ông Mùi, bà Thanh – Diên Hào) cung tín toàn bộ phần gỗ và công thợ mộc. Các bản hội: Bà Xuân (Thiệu Đô), bà Thanh, bà Chăng (làng Trung), bà Cúc (làng Bắc), bà Sợi, bà Thanh (Diên Hào)… và bà con trong xã, phật tử, khách thập phương cung tín phần gạch gói và công xây dựng.

[4] Do thầy Thích Nguyên Thành, các bản hội, phật tử, khách thập phương cung tín.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn