Đóng góp của người Kẻ Rị cho Phật Giáo và Nho Giáo

 * Phật giáo chỉ ra con đường chân lý tự giác ngộ và giải thoát, không sùng bái thần linh.

Giáo lý Đạo Phật do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chỉ ra để giác ngộ chúng sinh. Nói cách khác, giáo lý của Đạo Phật không phải do Đức Phật tự nghĩ ra, mà do Đức Phật phát hiện ra các quy luật tự nhiên: Như luật nhân quả, luật luân hồi…

 Phật giáo đã được người dân Bối Lý, Phủ Lý (Kẻ Rị) đón nhận rất sớm. Lê Lương, đầu thế kỷ X, rất tôn sùng đạo Phật nên đã xây dựng 3 chùa: Hương Nghiêm, Minh Nghiêm và Trinh Nghiêm đời Hậu Đường (Từ năm 923 đến năm 936). Ông được coi là “Phú gia địch quốc”, nuôi 3.000 môn đệ, ngày cày cuốc, đêm tu Phật pháp. Cùng thời đó, ở Kẻ Giàng có Dương Đình Nghệ, nuôi 3.000 môn đệ, ngày cày cuốc, đêm luyện võ. Do vậy, Kẻ Giàng là trung tâm kinh tế chính trị của Ái Châu, Bối Lý là trung tâm kinh tế, Phật giáo của Ái Châu (Thanh Hóa). Chùa Hương Nghiêm, Trinh Nghiêm, Minh Nghiêm là 3 chùa được xây dựng sớm nhất ở Ái Châu. Do vậy, có thể nói Phật giáo đã ảnh hưởng đến Bối Lý từ trước thế kỷ X.

Cháu và chắt Lê Lương là Đạo Quang Trưởng Lão và Đạo Dung là hai vị thiền sư nổi tiếng, có ảnh hưởng lớn tới việc truyền bá Phật pháp, đặc biệt thời Lý. “Năm Ðinh Mão 1087, sư Ðạo Dung được vua Nhân Tông triệu tới kinh, lập đạo tràng trong cung” (theo bia chùa Hương Nghiêm). Đời sau hậu duệ của Lê Lương là Lê Văn Nghi (Thế kỷ XII) trụ trì chùa Hương Nghiêm, cùng với mẹ và vợ ông đã nối nghiệp tổ tiên đóng góp đáng kể cho việc duy trì sự hiện diện của đạo Phật trên quê hương.

Bia chùa Hương Nghiêm, do Đạo Dung dựng năm 1124 không chỉ cho hậu thế biết lịch sử phát triển Phật giáo Xứ Thanh nói riêng và Việt Nam nói chung; mà còn cho chúng ta biết một phần lịch sử phát triển đất nước thời Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành và các đời vua đầu thời Lý, đặc biệt là công đức của Lý Thường Kiệt với Xứ Thanh. Ngoài ra bia còn cho ta biết quyền sở hữu đất đai của người dân cách đây hàng ngàn năm, khi nhà Lý giải quyết tranh chấp đất đai giữa giáp Viên Đàm và giáp Bối Lý. “Năm Tân Dậu 1081, hai phò ký lang, họ Thiều và họ Tô[1], tâu vua xin ruộng đất của bộc xạ Lê Lương. Vua xét lời tâu, bèn định trả giáp Bối Lý cho họ hàng Lê Công, (Bia Hương Nghiêm- HN).

Đời Trần, Đào Tiêu (Đào Dương Bật) tuy không có quan điểm về Đạo Phật như Lê Văn Hưu và Lê Quát, nhưng ông cũng hướng về Đào Phật, xây dụng chùa Yên Ninh (Ninh Bình), tu hành tại đây, là Sư tổ - Thiền sư của Yên Ninh Tự.

Đời Lý - Trần, Đạo Phật được xem là Quốc giáo. Tuy nhiên, đạo Phật không phải là học thuyết chính trị, không giúp nhà vua chọn người hiền tài để trị quốc. Do vậy đời Lý đã bắt đầu các khoa thi kén chọn người hiền tài. Đời Trần Nho giáo được đẩy lên tầm mới, đời Hậu Lê đã đưa Nho giáo lên tầm cao hơn; nhiều khoa thi được mở ra; số người tiến thân bằng con đường khoa bảng nhiều hơn, cổ vũ cho Nho giáo lên ngôi, thay dần vai trò của Phật giáo.

 * Nho Giáo là bộ quy tắc ứng xử các mối quan hệ trong xã hội: Vua – tôi, cha – con; vợ - chồng, anh – em, bạn bè. Nho Giáo không phải là các quy luật tự nhiên, mà do Khổng Tử đề xướng, và được các học trò của ông phát triển; như vậy Nho Giáo là học thuyết chính trị phục vụ lợi ích nhà vua trị quốc và quản lý xã hội.

                                               

        Các nhà Khoa bảng làng Phủ Lý (Kẻ Rị) xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa

 Nho giáo hiện diện tại Kẻ Rị có chậm hơn so với Phật giáo[2], nhưng người Kẻ Rị sớm thành danh khi tiếp thu Nho giáo. Nếu Lê Lương, ông tổ 7 đời của Lê Văn Hưu tôn sùng đạo Phật, thì ông tôn thờ đạo Nho và ông là người thành danh bằng con đường khoa bảng sớm thứ 3 ở Thanh Hóa kể từ sau khi Việt Nam thoát ách đô hộ Phương Bắc[3] Lê Văn Hưu đậu bảng nhãn năm 1247[4] Nối gương Lê Văn Hưu, Kẻ Rị xuất hiện nhiều người thành danh bằng con đường khoa bảng như: Trạng nguyên Đào Tiêu, trạng nguyên Lê Quát, thái học sinh Lê Giốc đời Trần; Tiến sĩ Trần Văn Thiện, Lê Bá Khang, Lê Biện, Vũ Kiêm đời Lê; Trần Lê Hiệu đời Nguyễn.

Số lượng người thành danh tiến thân bằng con đường khoa bảng của Kẻ Rị là minh chứng cho sự ảnh hưởng của Nho Giáo với người Kẻ Rị cũng như sự đóng góp của người Kẻ Rị đối với sự lên ngôi của Nho giáo. Tiêu biểu nhất là Lê Văn Hưu và Lê Quát.

Mặc dù tiên tổ của Lê Văn Hưu có truyền thống tôn sùng đạo Phật và có công đáng kể trong việc truyền bá giáo lý đạo Phật, nhưng Lê Văn Hưu lại chọn Nho Giáo để tiến thân, ông đề cao Nho Giáo là cơ sở cho hoạt động chính trị của triều đình, ông đứng trên quan điểm của Nho gia để chép sử, ông phê phán vua tôi nhà Lý xa sỉ trong việc xây dựng chùa chiền, lười biếng, mặc bỏ sản nghiệp.

Lê Văn Hưu nói: “Lý Thái Tổ lên ngôi mới được 2 năm, tông miếu chưa dựng, đàn xã tắc chưa lập mà trước đã dựng tám chùa ở phủ Thiên Đức, lại trùng tu chùa quán ở các lộ và độ cho làm tăng hơn nghìn người ở Kinh sư, thế thì tiêu phí của cải sức lực vào việc thổ mộc không biết chừng nào mà kể. Của không phải là trời mưa xuống, sức không phải là thần làm thay, há chẳng phải là vét màu mỡ của dân ư? Vét máu mỡ của dân có thể gọi là làm việc phúc chăng? Bậc vua sáng nghiệp, tự mình cần kiệm, còn lo cho con cháu xa xỉ lười biếng, thế mà Thái Tổ để phép lại như thế, chả trách đời sau xây tháp cao ngất trời, dựng cột chùa đá, điện thờ Phật, lộng lẫy hơn cung vua. Rồi người dưới bắt chước, có kẻ hủy thân thể, đổi lối mặc, bỏ sản nghiệp, trốn thân thích, dân chúng quá nửa làm sư sãi, trong nước chỗ nào cũng chùa chiền, nguồn gốc há chẳng phải từ đấy?”. Theo ĐVSKTT.

Không chỉ phê phán sự xa sỉ trong việc dựng chùa chiền, ông còn phê phán sự mù quáng, mê tín của vua  Lý Thần Tông đã không khen ngợi tài trí của Lý Công Bình, mà lại đi tạ lễ ơn Phật và Đạo đã giúp ngầm cho Công Bình đánh được người Chân Lập.

Lê Văn Hưu nói: “Phàm việc trù tính ở trong màn trướng, quyết định được chiến thắng ở ngoài nghìn dặm, đều là công của người tướng giỏi cầm quân làm nên thắng lợi. Thái phó Lý Công Bình phá được quân Chân Lạp cướp châu Nghệ An, sai người báo tin thắng trận. Thần Tông đáng lẽ phải cáo thắng trận ở Thái Miếu, xét công ở triều đường để thưởng cho bọn Công Bình về công đánh giặc. Nay lại quy công cho Phật và Đạo, đi các chùa quán để lạy tạ, như thế không phải là cách để ủy lạo kẻ có công, cổ lệ chí khí của quân sĩ”. Theo ĐVSKTT

Cuối đời Trần, đất nước rối ren, xã hội càng dạn nứt. Các nho sỹ muốn giúp nhà vua cứu vãn tình hình, chấn chỉnh phép tắc để quản lý xã hội, công khai lên tiếng bài trừ Phật giáo, đề cao đạo trị quốc của Nho giáo, tiêu biểu như: Trương Hán Siêu, Lê Quát. Lê Quát có tư tưởng phê phán Phật giáo lấy phúc họa để mê hoặc lòng người, đề cao đạo Thánh hiền. Tuy nhiên đây là vấn đề xã hội, khi mà Phật giáo đang bao trùm xã hội, thì nỗ lực của ông cũng như các nho sỹ khác chưa đạt được kết quả như mong muốn, ông đành bất lực, nên đã khéo léo khắc vào bia chùa Thiệu Phúc, thôn Bái ở Bắc Giang để bày tỏ tấm lòng cũng như sự bất lực với thời cuộc.

"Thuyết họa phúc của nhà Phật tác động tới con người, sao mà được người ta tin theo sâu sắc và bền vững như thế? Trên từ vương công, dưới đến dân thường, hễ bố thí vào việc nhà Phật, thì dẫu đến hết tiền của cũng không tiếc. Nếu ngày nay gởi gắm vào tháp chùa thì mừng rỡ như nắm được khoán ước để lấy phước báo ngày sau. Cho nên trong từ kinh thành, ngoài đến châu phủ, cho tới thôn cùng ngõ hẻm, không mệnh lệnh mà người ta vẫn theo, không thề thốt mà người ta vẫn tin. Chỗ nào có người ở, tất có chùa Phật, bỏ rồi lại xây, hỏng rồi lại sửa, chuông trống lâu đài chiếm đến nửa phần so với với dân cư, Đạo Phật hưng thịnh rất dễ mà được rất mực tôn sùng. Ta thuở trẻ đọc sách, để tâm khảo xét xưa nay, cũng hiểu sơ sơ đạo của thánh nhân để giáo hóa dân chúng mà rốt cuộc vẫn chưa được một hương tin theo. Ta thường dạo xem sông núi, vết chân trên khắp nửa thiên hạ, đi tìm những "Học cung", "Văn miếu" mà chưa hề thấy một ngôi nào! Đó là điều khiến ta vô cùng hổ thẹn với bọn tín đồ nhà Phật. Bèn viết ra đây để tỏ lòng ta"}. ĐVSK.

 Trong Đại Việt sử ký toàn thư, nhà sử học Ngô Sĩ Liên nhận xét rằng: “Bấy giờ, nho thần Lê Quát cũng muốn làm sáng dạ cho thánh hiền, gạt bỏ dị đoan nhưng rốt cục vẫn không thực hiện được”. 

Nho giáo mang màu sắc chính trị, phục vụ nhà vua trị quốc, quản lý xã hội, phát triển kinh tế, sáng tác văn chương trong chế độ quân chủ cũng như việc trọng nam khinh nữ hay tôn sùng lãnh đạo; nó phù hợp với quan điểm “đất nước là của trẫm”. Tuy nhiên, trên quan điểm: Thiên hạ là của mọi người trong thiên hạ chứ không phải của cá nhân hay một đảng phái nào; nói cách khác đất nước là của mọi người dân, dân là chủ đất nước; thì Nho giáo là “vòng kim cô” đề cao sự phục tùng giúp vua quan quản lý đất nước, nhưng lại kìm hãm sự phát triển do xã hội không được khai phóng.

Mặc dù, nhiều danh nho Đại Việt nói chung, danh nho Kẻ Rị nói riêng có nhiều tâm huyết, có quan điểm rõ ràng làm sáng tỏ đạo “Thánh Hiền” để giúp vua trị quốc, quản lý xã hội; nhưng những tư tưởng, quan điểm đó vẫn chưa thoát khỏi được ý thức hệ thời cuộc, ý thức phục tùng chứ không phải khai phóng.

Như vậy, Phật Giáo và Nho Giáo có ảnh hưởng sớm, sâu sắc đến vùng đất Kẻ Rị xưa, Thiệu Trung nay. Như vậy, người Kẻ Rị đã sớm đóng góp đáng kể cho sự phát triển của Phật Giáo và Nho Giáo, góp phần đáng kể cho tiến trình lịch sử xây dựng, bảo vệ tổ quốc, cũng như hình thành văn hóa Việt.

                                                                                                                              Xuân Văn

 



[1] Phò ký lang là một chức quan có lẽ gần như phò mã.

[2] Căn cứ vào các bằng chứng để lại.

[3] Trước đó có Khương Công Phụ và Khương Công Phụ đỗ khoa thi do nhà Đường tổ chức.

[4] Trước đó là Lưu Diễm đậu bảng nhãn năm 1232, Lưu Miễn đậu trạng nguyên năm 1239 (Lưu Diễm và Lưu Miễn, người Hoằng Quang).

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn