Các học vị và quyền lợi khi đỗ thi Đình

Các học vị được phong khi đỗ thi Đình

Thể thức xưa quy định có ba bảng: Đệ nhất giáp, đệ nhị giáp, đệ tam giáp.

Đệ Nhất Giáp: Có thể có:

-        Đệ nhất danh (Trạng nguyên);

-        Đệ nhị danh (Bảng nhãn);

-        Đệ tam danh (Thám hoa).

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Tuy quy định như vậy nhưng nhiều khoa không có trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa. Triều Nguyễn quy định không lấy trạng nguyên. Vì vậy, Nguyễn Khuyến đậu đầu cả ba khoa thi: Hương, Hội, Đình, vẫn không được gọi là trạng nguyên. Đời Nguyễn phong cao nhất là bảng nhãn.

Đệ Nhị Giáp

Tuy xếp thứ bậc trên dưới, nhưng đều gọi là Hoàng giáp (có khoa cũng không có Hoàng giáp hoặc Hoàng giáp đứng đầu kỳ thi đình đều không có trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa. VD: Khoa thi Nhâm Thìn (1592), ông Trịnh Cảnh Thụy ở Thanh Hóa đậu đầu. Các trường hợp như trên, trong sử ghi Đình Nguyên Hoàng Giáp, Đình Nguyên là đứng đầu kỳ thi đình. Như vậy, có thể có đình nguyên thám hoa hoặc đình nguyên bảng nhãn. Cũng có trường hợp đình nguyên tiến sĩ nếu ở bảng đệ nhất và đệ nhị không có ai.

Đệ Tam Giáp

Những người được xếp đệ tam giáp đều gọi là tiến sĩ, tuy có xếp thứ tự trên dưới. Đời Nguyễn có lấy thêm một loại học vị kém tiến sĩ, trên cử nhân gọi là phó bảng (kể từ khoa Kỷ Sửu, 1829).

Những người đã đậu thi Đình, dù là xếp ở bảng đệ tam giáp (Tiến sĩ hoặc phó bảng) cũng không được thi khoa sau (vì vậy, ông Trịnh Thiết Trường, Yên Định, đậu tiến sĩ khoa 1442 đã không nhận học vị để khoa sau thi Hội.  Khoa thi 1448 ông thi và đậu bảng nhãn).

Quyền lợi của những người đậu tiến sĩ

Những người đậu tiến sĩ, dân ta thường gọi là ông Nghè. Những người đậu trên hàng tiến sĩ như trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa, hoàng giáp thường gọi thêm học vị nhưng ông trạng Trình (Nguyễn Bỉnh Khiêm), ông Bảng Đôn (Lê Quý Đôn)

Đậu tiến sĩ được các quyền lợi như:

-        Lễ xướng danh: Lễ đọc tên các người đậu, yết tên ở bảng vàng và treo ở kinh thành để mọi người biết.

-        Được vua ban yến: (tức bữa tiệc do vua chiêu đãi), được đi xem hoa ở vườn thượng uyển. Được ban mũ áo, đai bạc, cờ biển (một lá cờ nhỏ và biển gỗ có học vị như: Trạng nguyên, bảng nhãn, tiến sĩ….).

-        Lê vinh quy: Được chiều đình cho rước về tỉnh, tỉnh rước về tận quê.

-        Được khắc tên ở bia đá dựng vào Văn Miếu: Ở Văn Miếu HN hiện còn 82 bia, ở Văn Miếu Huế hiện còn đủ 38 bia kỳ thi Đình.

Những ông Nghè, sau khi vinh quy bái tổ lại phải trở lại kinh đô để kiểm tra lần cuối trước khi bổ dụng, thường là cao hơn chức tri huyện của những người đậu cử nhân.  Tuy vậy cũng có trường hợp bị chức thâp như Dương Như Châu chỉ được chức tự thừa, Nguyễn Quý Nhã chỉ được bổ tri huyện vì bị điểm kém trong kỳ thi kiểm tra (kỳ kiểm tra này gọi là thi ứng chế, Theo “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú).

Tài liệu tham khảo

-        Theo danh sĩ Thanh Hóa và việc học thời xưa, 1995, Trần Văn Thịnh chủ biên;

-        Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú;

-        Thi cử, học vị, học hàm dưới các triều đại phong kiến Việt Nam của Đinh Văn Niêm.

 

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn