Thần tích – Thần sắc Thành hoàng làng Lê Văn Hưu tại đền Ôn Xá, xã Đình Dù – Văn Lâm – Hưng Yên

                                                           KÍNH CHÉP SỰ TÍCH

Người dịch: Trí Hiếu

Tôn thần[1] họ Lê, tên húy là Văn Hưu[2], người huyện Lương Giang[3]. Xưa, lúc cuối đời nhà Lý, ngày 15 tháng Hai, Ngài đủ hẹn mà giáng sinh. Hôm sinh ngài, hương thơm bảng lảng đầy nhà, tướng mạo mặt vuông tai lớn, bụng có hình chữ Phúc. Dần khi lớn thành đứa trẻ, thân thẳng tựa cây gỗ, nhân vậy mà đặt tên ngài là Văn Hưu(2). Kịp đến khi trưởng thành, ngài thông minh mẫn tuệ hơn người, văn chương có tiếng ở đời. Đương lúc bấy giờ là đời vua Trần Thái Tôn[4], triều đình mở khoa thi Tiến sĩ năm Đinh Mùi, ngài ứng thí đỗ Bảng Nhãn đệ nhất giáp cập đệ. Vua sắc phong chức Học chính trấn Dương Tuyền, về sau được bổ Tu sử quán[5]. Đương lúc bấy giờ, triều Nguyên ở Bắc quốc từ khi đại bại sau trận Bạch Đằng, tuy đã việc đã qua mà mạng Ô Mã Nhi[6] chưa được bồi thường. Do đó thâm thù đến nay muốn nhân cớ gây hấn đem binh áp biên cảnh. Vua Trần bèn lấy Hoàng tộc làm Chánh sứ, mệnh sai ngài làm Phó sứ chỉnh đốn chuẩn bị cống vật sang sứ nhà Nguyên, với cớ lễ nước nhỏ cống nạp phương vật. Vả lại muốn thăm dò chủ ý của  việc binh nhà Nguyên ra sao. Đoàn sứ bộ đi đến cửa ải Nam Quan, đoàn sứ tạm dừng chân nghỉ đêm nơi sứ quán[7]. Bấy giờ đương lúc đêm sâu, người vắng. Ngài vừa mộng mị bất giáctrong không gian văng vẳng bên quán có tiếng nữ nhân ngâm thơ rằng:

Viêm Đế phân phong tích khả tầm

Phân Mao địa giới kiến thiên tâm

Kỳ Cùng bắc chú vô xâm hạ

Đồng trụ chí kim hải ngoại trầm”

Đại lược là

Xưa Viêm Đế[8] phân phong cương vực tích xưa vẫn có thể tìm thấy

Núi Phân Mao[9] là địa giới nhìn thấy giữa lòng trời xanh

Sông Kỳ Cùng chảy ngược[10] lên phía bắc, không xâm đến phía dưới

Cột đồng[11] cho đến nay đã gãy chìm nơi bể khơi”.

Lễ Hội đình Ôn Xá ngày 15/2 năm Quý Mão kỷ niệm 793 năm ngày sinh Lê Văn Hưu

Cứ vậy nghe đi nghe lại hai, ba lần tiếng ngâm vịnh thơ sau ngài ghi thuộc trong lòng. Kịp khi trời sáng ra ngoài sứ quán nhìn bên cạnh không có người nhà nào, chỉ thấy một dải núi xanh, cây cối rậm rạp. Trong lòng thấy làm lạ, lại lên đường đến Nguyên kinh[12] vâng cống lễ vật. Cống lễ xong, quả nhiên hoàng đế nhà Nguyên hỏi rằng: “Nước Nam từ xưa nay vốn nội thuộc Trung Hoa. Hà cớ sao gần đây lại giám xưng đế xưng vương, chiếm phận làm một quốc hiệu? Trẫm nay muốn đem binh đến hỏi cột đồng thời Hán mốc giới chỗ nào?” Ngài bèn đối đáp thưa lại: “Nước Nam của thần từ đời Viêm Đế phân phong, họ Hồng Bàng vốn là con thứ, Hùng vương truyền 18 đời kế tục đến Kinh Dương Vương đã mấy nghìn năm[13]. Nước Nam có sự phân biệt riêng là một nước vậy. Há là một nước từng nội thuộc của Trung Quốc sao? Tuy sau thời gian đó đến nhà Tần nhà Hán có tham lam xâm chiếm, từng có thắng thua còn mất thì nước Nam cũng là một thời vận tai ách vậy. Đến như tướng Phục Ba nhà Hán[14] có lập cột đồng thì bất quá là sự tranh đoạt lúc đó, lập lên để dọa nạt người Nam. Tai thần đến nay nghe truyền được Cột đồng ấy cách ngoài sông Bạch Đằng vài vạn dặm ở biển Nam Hải, tang thương biến đổi trải qua đã bị chìm đắm vậy. Có thể chỉ địa giới nước Bắc nước Nam, sao chẳng tìm địa giới đích thực xưa nay thì ngoài ải Nam Quan, đường núi Phân Mao hiển nhiên chỉ rõ khác biệt hướng bắc hướng nam; sông Kỳ Cùng chuyển ngược lên bắc thực rõ dòng chẳng xâm lấn về nam. Đó là do trời đất đã an bài, biểu thị đại địa giới đã định phận đó”. Vua Nguyên lại hỏi: Trẫm nay muốn cất binh xuống phía nam. Vua nước Nam có sợ chăng?” Ngài bèn đối lại: “ Nước lớn có cất binh chinh phạt thì ắt nước nhỏ cũng có kế sách để phòng ngự. Nay quốc vương của hạ thần trên thì thuận trời, dưới thì hợp lòng người. Quay mặt phương nam[15] mà xưng tôn, một nước trải muôn dặm đường đường. Đất đặt thế núi sông hiểm trở, nước giàu binh mạnh, tướng sĩ hết sức hết lòng vì mệnh lệnh. Như vậy mà sợ người sao? Ngày nay, chúng thần kính soạn chỉnh chức cống, lại lấy việc tiểu sợ việc lớn vậy. Hoặc may được hòa ước đôi bên, thì Trung triều nghiễm nhiên như sao Bắc Thần cho chúng tinh tôn sùng hướng tới[16] mà nước nhỏ vui mừng giải giáp can qua. Binh nghỉ, dân an tức là muôn nước đội ơn thịnh hội của Hoàng đế vậy. Lúc đó, vua Nguyên cho sứ thần đến thưởng yến tiệc, lại triệu binh về, tu soạn hòa ước như cũ. Lại cho tuyển sính vật phẩm mệnh sai sứ thần chuyển về nước gọi là lễ vật qua lại. Bấy giờ từ Nguyên kinh tấu khải về nước, sứ bộ đi đến bên chân núi quận Thiên Phúc thì gió lớn nổi lên, ngài bị nhiễm phong hàn, bụng đau không giảm. Tìm khắp thầy thuốc cứu trị mà chưa được. Chợt thấy một người con gái dung mạo đẹp đẽ từ bên ngoài đến, nói rằng: “Trong túi của ta có thuốc hay, có thể chữa trị được bệnh, xin được vào xem bệnh” Người trong đoàn sứ liền dẫn vào bắt bệnh. Bấy giờ bệnh ngài vừa chớm nguy kịch, người con gái đẹp cho một viên thuốc uống, dần dần ngài tỉnh lại. Nhìn thấy dung mạo nhan sắc của cô gái thật phi phàm, ngài liền hỏi: Cô đã cứu ta thực là có hậu ân. Xin cho biết danh tính? Cô gái bèn ứng khẩu đọc bài thơ[17]:

Nhất điền trung cộng bất tương ly 

Nha tập điểu phi mộc diệc tùy

Vãng vấn chúa ông hà xứ khứ

Liêu tương thập mục nhất tất y”

Đại lược là:

Một mảnh ruộng trong cùng canh tác khôi rời xa

Quạ tụ, chim bay cây cũng theo đó

Qua đây hỏi chúa ông từ đâu tới

Liền cùng mười mắt ắt như một

Ngài trầm ngâm một lúc rồi hỏi: “Chẳng phải nàng họ Hoàng, tên tự là Nha Đức sao? Cô gái đáp răng: Đúng vậy” Ngài lại hỏi: “Nàng từ đâu tới, đang làm gì?”. Cô gái lại ứng khẩu đọc:

Nhân tại sơn biên thức giã phù

Thực vô hữu quán, lã nhân vô

Thị nhi bất kiến lai trung thuyết

Nga biệt ngã quy, nguyệt ảnh cô

Đại ý là:

Người ở bên sườn non, biết như vậy đó

Thực là không có quê quán, không có bè bạn thân thích

Nhìn mà chẳng thấy đến chốn đây nói

Trăng lặn ta về bóng ảnh lẻ loi

Nghe vậy, ngài bèn đột nhiên kính lạy rằng: Đích thị là thần nữ trên cung tiên. Ngày trước ở quán sứ cửa ải Nam Quan, người ngâm thơ cũng là nữ thần, đã âm phù cho tôi ứng đối nơi Nguyên kinh phải không? Đáp rằng: “Ta đằng vân du lãm đi khắp các danh sơn, nghe nói Sứ quân vâng mệnh đi xa cống sứ, liên quan đến quốc sự bởi vậy đã đến để giúp cho được thuận lợi Nghe nữ thần nói đã được hậu ý phù hộ, cảm tạ không thôi. Không biết lấy gì báo đáp lại. Nữ thần nói có một lời nguyện, ngày sau lại được gặp lại ở trang Ôn Xá vậy, bèn chào từ biệt đi ra ngoài. Hốt nhiên không thấy người đó đi đâu. Đoàn Sứ về đến kinh thành Thăng Long, ngài tâu trình sính vật của vua Nguyên cùng thư giao hảo đã rất thỏa đáng. Vua Trần thấy ngài đi sứ không làm nhục quân mệnh, liền gia phan phong thưởng rất hậu. Từ đó nam bắc đôi bên binh đao nhẹ ghánh, nhân dân mãi hưởng thái bình. Bấy giờ ngài chưa hỏi được trang Ôn Xá nằm ở nơi nào, kịp đến hơn 10 năm sau nhân vâng mệnh vua đi kinh lược các trấn Vũ Ninh, Dương Tuyền, lúc đó là ngày mùng 10 tháng Giêng, ngài đến địa đầu bản xã nhìn thấy non xanh nước biếc cỏ cây xanh tốt bèn dừng xe nghỉ ngơi, nhân đó hỏi tên mới biết đó đích thị là trang Ôn Xá, liền liên tưởng đến ước hẹn trước đây với vị thần tiên, bàn hoàn ngước trông lên chợt khoảnh khắc thấy vị tiên gió mây ảm đạm chợt thấy vị tiên nhân đã đứng dưới gốc cây chậm chậm đi đến. Ngài liền đáp thoại với thần rằng: “Ngày trước được đội ơn sâu, lâu nay ta chưa biết lấy gì báo đáp. Nay lại may mắn hội ngộ, thật là cảm kích. Bèn nói trước đây không rõ ý tiên nhân nguyện như thế nào? Nhược bằng nơi đây sơn thủy chung linh, thực là một thắng cảnh. Ta thường đằng vân giá vũ hay đến đây ngoạn thưởng phong cảnh, đại nhân nên lập một ngôi miếu sở linh thiêng để hộ quốc an dân. Vả lại đại nhân vốn là sao trên trời giáng thế. Trong ngày tháng Ba năm nay, thiên đình đã có mệnh triệu ngài về trời, ngài nên liệu lo trước hết mọi việc đi. Nói xong trời sáng, cưỡi mây mà đi. Người dân đều nhìn thấy mà kinh hãi. Bởi vậy ngài bèn triệu phụ lão nhân dân đến hiểu dụ rằng: Trước ta đi sứ đã được  vị thần tiên âm phù việc nước, có công. Với ta thần tiên đã trợ giúp lúc gian nguy. Đương như vậy, lập một ngôi miếu để thờ phụng vị thần tiên. Phụ lão nhân dân đều đồng ý, ngài bèn xuất tiền riêng mua một khu đất công, lập một ngôi miếu để thờ phụng vị thần tiên, lại lập một ngôi đình để là sinh từ. Sau này ban cho dân xã tiền bạc, mua một khoảnh ruộng cùng 300 quan tiền giao cho bản xã nhận làm nhu phí của công dân tháng ngày thờ phụng. Tạo dựng đình miếu trong 2 tháng hoàn thành, đến thượng tuần tháng Ba hoàn công thì trong tháng đó ngày 15 ngài cũng quy hóa vậy. Từ đó dân xã khói hương thờ cúng, cầu đảo đều rất linh nghiệm. Đến nay dân xã được yên ổn thực là nhờ phúc của hai vị tôn thần âm phù vậy.

-Húy tự họ Lê, tên Hưu, cẩn cấm(cấm được nói hoặc viết).
-Húy hiệu tên Hoàn, cẩn cấm.
-Húy tự họ Hoàng, mỹ tự Nhã Đức, cẩn cấm.
-Tục lệ hàng năm, từ ngày 12 đến 15 tháng 2, là ngày sinh nhật của tôn thần, có lễ kỳ phúc(cầu phúc), 4 giáp hành lễ.
-Tục lệ hàng năm, ngày 15 tháng 3, là ngày hóa của tôn thần, có lễ kỳ phúc, 4 giáp hành lễ.
-Tục lệ hàng năm, ngày 15 tháng 11, hội đồng thiết yến, có lễ kỳ phúc.
-Tục lệ hàng năm, ngày 12 tháng 8, là ngày tặng phong, có lễ kỳ phúc.
-Tục lệ hàng năm, ngày mùng 10 tháng giêng, là ngày Hoàng Phi nhân giáng hạ.

Thần tích chính bản lưu tại đền Hùng - Phú Thọ.

 PHỤ BẢN

Đương lúc bấy giờ thiên hạ thái bình. Năm Canh Tý vua đặt khoa thi Hiếu Liêm, đại vương ứng thí đăng khoa, đến năm Đinh Mùi thi Đình đỗ Bảng Nhãn. Tháng Tám năm Tân Sửu, Hoàng Đế sắc phong là Đốc học trấn Dương Tuyền. Ngày 12 tháng Hai năm Nhâm Dần, Hoàng đế sắc triệu đại vươngvề kinh phong làm Phó sứ lãnh sĩ tốt chỉnh đốn lễ vật đi sứ Bắc quốc để triều cống. Đến Nguyên kinh kịp khi bệ kiến, ngài ứng đối trôi chảy, không gì không biết. Hoàng đế bắc triều đại gia ban thưởng, lại cho sính vật. Phong đại vương là Lưỡng quốc phó sứ. Sứ bộ về đến bên chân núi quận Thiên Phúc thì gió lớn sấm chớp nổi lên, chẳng may bị bệnh. Chợt thấy một người con gái là Hoàng Nhã Đức ban cho viên tiên dược, bệnh ngài vì vậy mà dần khỏi. Phi nhân lại tặng một bài thơ, nói rằng:

Nhã đức phi nhân phu liệt nữ

Đằng vân giá vũ chiếu linh thông

Trạc dương tả hữu hoằng tham tán

Hiển ứng huân cao ký nẫm tòng.

Đại lược là:

Nàng Phi tên Nhã Đức rành liệt nữ

Đi gió về mây lộ linh thông

Phải trái hai bên cùng tham tán

Hiển ứng ngôi vốn nhiều lần

Đại vương mở ra xem, đọc xong nhìn dung mạo đoan chính đúng thực là người tiên giáng hạ đã cùng nhau kết nghĩa giao ước. Về đến trang Ôn Xá tổng Thái Lạc huyện Tế Giang, phủ Thuận An, quận Vũ Ninh. Các bô lão trong trại đều dâng tấu Hoàng đế. Ngài cho lưu quân sĩ thiết yến hành lạc, các sự xong xuôi. Ngài ngước nhìn trang Ôn Xá non xanh nước biếc uốn lượn hữu tình, cây cối tốt tươ tốt. ắt có quý huyệt. Vương bèn triệu gọi bô lão trong trại đến thiết yến vui vẻ, cho dân 300 quan tiền đồng cùng một khoảnh ruộng công để dựng lăng miếu, Tự nhiên ngài cảm thấy bất an, đến tháng Ba hốt nhiên trời mây ảm đạm mưa gió thét gào, lại thấy vị Phi nhân đến gặp. Đương lúc ngày 15 tháng Ba Quý Mão, ngài mất. hồn phách nhập lăng thì vị Phi nhân cũng cưỡi mây về trời. Từ đó bô lão hương dân trong trại ngày đêm đèn hương thờ phụng cầu đảo, đều thấy linh nghiệm.

Về sau, các triều đại đều có sắc phong, tuyên tặng là bậc Thượng đẳng thần. Sinh thời có võ công cao trội uy linh phù giúp quốc gia, ngày sau mất thì được thờ phụng tôn nghiêm nơi dân xã, ngõ hầu bao bọc che chở lê dân. Như thế công đức của ngài được thi hành ra khắp chốn vậy. Đến nay dân xã được yên ổn đều nhờ ân đại đức và sự phù hộ của hai vị. 

SẮC PHONG
Sắc phong 1:

Phiên âm:
Sắc Hưng Yên tỉnh, Mỹ Hào phủ, Văn Lâm huyện, Ôn Xá xã phụng sự Trần triều Bảng nhãn Phó sứ anh phong tráng tiết dũng nghĩa hiển ứng đại vương Lê Văn Hưu tôn thần. Nẫm trứ linh ứng. Tứ kim chính trị Trẫm tứ tuần đại khánh tiết, kinh ban bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật. Trứ phong vi Dực bảo trung hưng linh phù tôn thần. Chuẩn kỳ phụng sự thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân.

Khâm tai! 

Khải Định cửu niên thất nguyệt nhị thập ngũ nhật

Dịch nghĩa:

Sắc xã Ôn Xá, huyện Văn Lâm, phủ Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên phụng thờ Trần triều Bảng nhãn Phó sứ anh phong tráng tiết dũng nghĩa hiển ứng đại vương Lê Văn Hưu tôn thần, (giúp nước cứu dân) linh thiêng ứng nghiệm rõ rệt. Nay gặp dịp Trẫm mừng thọ 40 tuổi, đã từng ban tặng bảo chiếu, long trọng làm lễ tăng thưởng phẩm trật, phong tặng là Dực bảo trung hưng linh phù tôn thần, chuẩn cho phụng thờ thần, thần sẽ che chở, bảo vệ dân ta. 

Kính cẩn thay!

Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924).

Sắc phong 2:

Phiên âm:

Hưng Yên tỉnh, Mỹ Hào phủ, Văn Lâm huyện, Ôn Xá xã phụng sự Tiên thần trinh ứng đoan hạnh trang thuận hoàng tỷ nhân nhã đức tôn thần. Nẫm trứ linh ứng. Tứ kim chính trị Trẫm tứ tuần đại khánh tiết, kinh ban bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật. Trứ phong vi Trai tĩnh Dực bảo trung hưng trung đẳng thần. Chuẩn kỳ phụng sự thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân.

 Khâm tai!

Khải Định cửu niên thất nguyệt nhị thập ngũ nhật. 

Dịch nghĩa:

Sắc xã Ôn Xá, huyện Văn Lâm, phủ Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên phụng thờ Tiên thần trinh ứng đoan hạnh trang thuận Hoàng Phi nhân nhã đức tôn thần, (giúp nước cứu dân) linh thiêng ứng nghiệm rõ rệt. Nay gặp dịp Trẫm mừng thọ 40 tuổi, đã từng ban tặng bảo chiếu, long trọng làm lễ tăng thưởng phẩm trật, phong tặng là Trai tĩnh Dực bảo trung hưng trung đẳng thần, chuẩn cho phụng thờ thần, thần sẽ che chở, bảo vệ dân ta.

Kính cẩn thay!

Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924).

Dịch theo bản:

THẦN TÍCH – THẦN SẮC

Làng Ôn Xá Tổng Thái Lạc, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên

Bản lưu tại Viện Thông tin Khoa học Xã hội, mã số: TT-TS FQ4o18/XII, 35

Ký hiệu kho TTTS 12715 -  Hà Nội 1995

Người dịch: Trí Hiếu

Ghi nguồn khi sử dụng thông tin từ blog này 



[1] Tôn thần: Từ tôn xưng dành cho vị thần được thờ phụng, tức sử gia Lê Văn Hưu.

[2] Lê Văn Hưu 黎文休 sinh năm 1230 mất năm 1322, là một nhà sử học đời nhà Trần, tác giả bộ Đại Việt sử ký, bộ quốc sử đầu tiên của Việt Nam. Lê Văn Hưu là người làng Phủ Lý (tên nôm là Kẻ Rị), huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, nay thuộc xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.Tên của ông gồm có bộ Nhân tức là ngườ,i ghép với chữ Mộc thành chữ Hưu)

[3] Huyện Lương Giang. Xưa vốn là đất thuộc huyện Quân Ninh và huyện Tư Phố trong quận Cửu Chân. Sang thời Lý - Trần, đổi tên là Lương Giang và Cửu Chân. Sở dĩ Quân Ninh được gọi là Lương Giang là vì có sông Lương (tên khác nữa là sông Lường), tên gọi cũ của sông Chu.

[4] Trần Thái Tôn: tức vua Trần Thái Tông (陳太宗)  sinh ngày 9 tháng 7 năm 1218 – mất ngày 5 tháng 5 năm 1277), tên khai sinh là Trần Cảnh (陳煚), là vị hoàng đế đầu tiên của Hoàng triều Trần nước Đại Việt. Ông ở ngôi từ ngày 10 tháng 1 năm 1226 tới ngày 30 tháng 3 năm 1258, sau đó làm Thái thượng hoàng cho đến khi qua đời năm 1277. Vì Nhà Nguyễn kiêng húy vua Thiệu Trị là Miên Tông nên các miếu hiệu của các đời vua đổi gọi từ Tông thành Tôn

[5] Tu sử quán: Tức Quốc sử quán, nơi biên soạn lịch sử quốc gia

[6] Ô Mã Nhi: là một viên tướng Nguyên Mông, là con trai của tổng đốc Vân Nam Nạp Tốc Lạt Đinh, bản thân là con trai tổng đốc Vân Nam, được mang danh hiệu Baghatur danh giá ngay khi còn trẻ, Ô Mã Nhi là một tướng tài đầy triển vọng của triều đình Nhà Nguyên. Ông là người đã tham gia đoàn quân Nguyên Mông viễn chinh Đại Việt trong hai cuộc xâm lăng 1285 (Toa Đô, Thoát Hoan và Ô Mã Nhi) và 1288 (Thoát Hoan, Ô Mã Nhi và Trương Văn Hổ), và bị bắt trong cuộc viễn chinh lần thứ hai khi đánh vào Đại Việt.

[7] Sứ quán: Nơi nghỉ dừng chân của đoàn sứ bộ khi đi sang sứ nước khác

[8] Viêm Đế: (炎帝) hay Hỏa Đức Vương (火德王) là một vị vua cổ đại huyền thoại của Trung Quốc vào thời kỳ tiền triều đại. Ông cũng là nhân vật truyền thuyết phân phong cho Đế Nghi làm vua phương Bắc và Đế Minh làm vua cai trị phương Nam, sau này hậu duệ là Kinh Dương Vương lập ra Xích Quỷ quốc, tiền thân của nước Văn Lang Hùng Vương

[9] Núi Phân Mao: Theo Đại-Thanh Nhất Thống Chí (tức bộ địa dư của trungquốc dưới đời nhà Thanh), núi Phân-Mao ở động Cổ-Sâm, cách Khâm-Châu khoảng 3 dặm về phía tây. Tương-truyền trên đỉnh núi Phân Mao có thứ cỏ tranh, do ảnh hưởng của khí hậu và địa thế, ngọn cỏ tranh ngả theo hai hướng Bắc và Nam cho nên mới có tên gọi là núi Phân Mao nghĩa là núi có thứ cỏ chia ra làm hai hướng. Đây là biên giới của Việt Nam và Trung Quốc, hiện nay núi Phân Mao nằm sâu trong nội địa Trung Quốc

[10] Sông Kỳ Cùng chảy ngược: Sông Kỳ Cùng bắt nguồn từ vùng núi Xã Bắc Xa thuộc huyện Đình Lập tỉnh Lạng Sơn. Dòng sông chảy theo hướng chủ đạo đông nam - tây bắc từ Đình Lập qua huyện Lộc Bình, huyện Cao Lộc, thành phố Lạng Sơn, huyện Văn Lãng, huyện Tràng Định; chảy qua biên giới sang Trung Hoa tại gần Bình Nhi Thôn. Từ đây nó được gọi là Bình Nhi Hà (平而河) tiếp tục theo hướng tây tây nam - đông đông bắc khoảng 45 km để hợp lưu với sông Bằng Giang tại thị trấn Long Châu, Quảng Tây, Trung Quốc. Đây là con sông duy nhất ở miền Bắc Việt Nam chảy theo hướng đông nam - tây bắc sang Trung Quốc.

[11] Cột đồng: Cột đồng Mã Viện là một cây cột đồng lớn do viên chỉ huy quân đội nhà Hán là Mã Viện cho dựng sau khi chinh phục được cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng ở Giao Chỉ vào năm 43. Trên trụ đó có khắc sáu chữ Hán: Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt (銅柱折,交趾滅) Cột đồng gãy, Giao Chỉ không còn)

Việc làm này đã được nhiều sử gia Việt Nam và Trung Quốc quan tâm. Tuy nhiên, "cột đồng Mã Viện" có thật hay chỉ là lời truyền, và nếu có thì nó được dựng ở nơi đâu, vẫn là vấn đề chưa có kết luận thỏa đáng.

 [12] Nguyên kinh: tức kinh đô nhà Nguyên, đây là Nam Kinh

 [13] Hùng vương truyền 18 đời kế tục đến Kinh Dương Vương đã mấy nghìn năm. Đoạn này có lẽ chép nhầm vì người khai sang ra nhà Hùng là Kinh Dương Vương, Từ Kinh Dương Vương mới sinh ra Lạc Long Quân, Long Quân mới sinh ra Hùng Vương trải 18 đời về sau

 [14] Phục Ba nhà Hán:  tức Mã Viện (馬援; 14 TCN-49), tự Văn Uyên (文淵), người Phù Phong, Mậu Lăng là một viên tướng người Hán phục vụ dưới trướng Quỳ Ngao sau quy thuận nhà Đông Hán. Ông được gọi là Phục Ba tướng quân (伏波將軍) hay Mã Phục Ba (馬伏波). Trong lịch sử Việt Nam, Mã Viện được biết đến như là người đã dập tắt cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng và tiếp tục sự thống trị của người Hán ở Giao Chỉ.

 [15] Quay mặt phương nam: Theo quan niệm phương Đông, bậc quân trưởng cai trị thiên hạ quay mặt về hướng Nam nên còn gọi là Nam diện, chính vì vậy mà hoàng thành các kinh đô đều quay mặt chính về hướng Nam

 [16] Bắc Thần cho chúng tinh tôn sùng hướng tới: Trên trời sao Bắc đẩu là ngôi sao sang nhất, nên các sao khác hướng theo. Vì vậy thường ví người thủ lĩnh như sao Bắc đẩu để cho mọi người tuân theo

[17] Bài thơ chiết tự tên của vị thần tiên là Hoàng Nhã Đức


Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn